Cấp sổ đỏ đất thờ cúng như thế nào?

Câu hỏi về cấp sổ đỏ đất thờ cúng: Bố mẹ tôi mất và di chúc để lại đất và nhà gồm nhà ngang và ba gian nhà có ban thờ (nhà thờ) cho anh cả ở để làm nơi thờ cúng tổ tiên, gia đình anh cả không được ngăn cản anh em con cháu đến thắp hương ông bà, anh em cũng không được chia nhau hay chuyển nhượng cho người khác. Vậy làm thế nào để gia đình tôi thực hiện đúng ý nguyện của bố mẹ, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đối với thửa đất này như thế nào?

Cấp sổ đỏ đất thờ cúng như thế nào
Cấp sổ đỏ đất thờ cúng như thế nào?

Trả lời:

Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với đất dùng vào mục đích thờ cúng tổ tiên được thực hiện phổ biến trong các trường hợp: cha mẹ chết để lại di chúc cho con cái chỉ được sử dụng đất vào mục đích thờ cúng, không được bán; các anh chị em trong gia đình thống nhất việc sử dụng đất vào mục đích thờ cúng. Có hai trường hợp để cấp sổ đỏ đất thờ cúng:

Trường hợp thứ nhất, đất thờ cúng là thửa đất cha mẹ để lại cho con cái để thờ cúng gia tiên hoặc vừa để ở vừa để thờ cúng, hoặc các anh chị em trong gia đình thỏa thuận về việc sử dụng đất để thờ cúng gia tiên và giao cho một người quản lý là anh cả. Đối với trường hợp này, khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì trình tự, thủ tục như cấp Giấy chứng nhận đối với đất ở.

Tuy nhiên, để hạn chế trường hợp anh cả sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận lại mang đi chuyển nhượng hoặc anh chị em đổi ý chia tách thửa đất cho nhau, khi nộp đơn yêu cầu cấp Giấy chứng nhận, có thể yêu cầu ghi thêm vào phần “Ghi chú” của Giấy chứng nhận về việc hạn chế chuyển nhượng và chia tách nêu trên. Cho dù vậy trường hợp này pháp luật không đảm bảo ý nguyện của bố mẹ được thực hiện đúng. Khi anh cả mất đi, nhà đất để lại đến đời con cháu thì càng khó thực hiện.

Trường hợp thứ hai, để giải quyết triệt để việc thực hiện đúng ý nguyện của bố mẹ thì gia đình bạn cần làm thủ tục cấp sổ đỏ đất thờ cúng (tín ngưỡng). Bản chất vấn đề là cần xác lập đất thờ cúng là sở hữu chung của anh em con cháu thì mới ngăn chặn được việc chuyển nhượng chia tách đất.

Pháp luật dân sự cũng như pháp luật về đất đai hiện nay thừa nhận chế độ sở hữu chung của cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là nhà thời họ, từ đường, đền, đình…

Khoản 1, Điều 211 Bộ luật dân sự 2015 quy định về sở hữu chung của cộng đồng như sau:

“1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.”

Như vậy, căn cứ vào nguồn gốc hình thành theo tập quán, do các thành viên của dòng họ sử dụng làm nơi thờ cúng, cũng như việc đóng góp của các thành viên trong dòng họ để xây dựng thành nhà thờ họ, từ đường,…

Đất và công trình từ đường, nhà thờ họ… đó được xác định là thuộc sở hữu chung của cộng đồng (dòng họ).

Khoản 5 điều 100 Luật đất đai 2013 quy định về việc “Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất”:

“5. Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất nông nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 131 của Luật này và đất đó không có tranh chấp, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”

Căn cứ vào quy định này, thì đất có từ đường, nhà thờ họ… sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Căn cứ vào khoản 5, điều 100 Luật Đất đai, người đại diện theo ủy quyền của dòng họ sẽ đến UBND cấp xã, phường nơi có đất đề nghị xác nhận là đất sử dụng chung cho dòng họ và không có tranh chấp. Sau đó đến Văn phòng đăng ký đất đai để làm thủ tục.

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất có công trình là nhà thờ họ, từ đường gồm các thành phần sau:

Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu theo mẫu của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hồ sơ địa chính;

Các giấy tờ về dòng họ và văn bản cuộc họp dòng họ để ủy quyền cho một thành viên thực hiện thủ tục; Một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất tại khoản 1, 2 điều 100 Luật đất đai 2013 (nếu có); Giấy xác nhận là đất sử dụng của dòng họ (như trên).

Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ, cá nhân nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở tài nguyên và môi trường nơi có bất động sản.

Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận sẽ yêu cầu người nộp bổ sung lại. Nếu hồ sơ đã hợp lệ, cán bộ tiếp nhận sẽ nhận hồ sơ, đồng thời trao giấy hẹn lấy kết quả. Ở trang 1 của sổ đỏ, phần Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ghi rõ:

Dòng họ X và địa chỉ (căn cứ theo điểm i, khoản 1, điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT: Cộng đồng dân cư thì ghi tên của cộng đồng dân cư và địa chỉ nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư).

Ở trang 2 của sổ đỏ, lưu ý phần d)Hình thức sử dụng: sử dụng riêng (được hiểu là của riêng dòng họ); e) Mục đích sử dụng: Đất cơ sở tín ngưỡng

Về việc định đoạt đối với phần đất này: Khoản 2,3 điều 211 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

3. Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia”.

Như vậy, việc định đoạt nhà đất của bố mẹ để lại làm nơi thờ cúng theo thỏa thuận của anh em trong gia đình vì lợi ích chung của gia đình dòng họ theo tập quán, không trái đạo đức xã hội. Theo đó, đảm bảo thực hiện được ý nguyện của bố mẹ.

Luật sư Huỳnh Thanh Tùng

 Dịch vụ luật sư

  ĐT& Zalo 091 321 8707

 luatbinhtam@gmail.com

Call Now Button