Đòi lại đất đã cho mượn được không?

Câu hỏi về Đòi lại đất đã cho mượn được không?:

Ông ngoại tôi có 1 mảnh đất rộng khoảng 160m2. Năm 1999, ông tôi cho ông H mượn mảnh đất đó để ở tạm (không lập thành văn bản và mảnh đất đó chưa làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất). Hiện nay, ông H tự ý chặt phá cây trong mảnh đất đó, dỡ nhà tạm bợ và xây dựng 1 ngôi nhà bằng gạch kiên cố (nhà cấp 4). Ông ngoại tôi đã sang đòi lại mảnh đất nhưng ông H không trả. UBND xã và UBND huyện nơi sinh sống có biên bản đối thoại và trong kết luận đối thoại giao cho 2 bên gia đình tự thỏa thuận giải quyết.
Hiện tại, gia đình tôi có biên bản họp thôn và các hộ gia đình liền kề và các già làng, người có uy tín đều thừa nhận và ký vào trong biên bản họp thôn mảnh đất đó là của nhà ông ngoại tôi. Vậy làm cách nào để ông ngoại tôi đòi lại được mảnh đất trên?

Đòi lại đất đã cho mượn
Đòi lại đất đã cho mượn
Trả lời:
Với trường hợp đòi lại đất cho mượn nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 167 Luật Đất đai 2013 về quyền của người sử dụng đất thì pháp luật đất đai hiện hành không công nhận việc cho mượn quyền sử dụng đất. Do đó, ông ngoại bạn muốn lấy lại mảnh đất đã cho ông H mượn thì cần phải chứng minh gia đình bạn là người có quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Để chứng minh được quyền sử dụng đất đó của ông ngoại bạn thì ông cần có chứng cứ là các giấy tờ quy định tại Khoản 1, Điều 100 Luật Đất đai 2013, bên cạnh có biên bản họp thôn và các hộ gia đình liền kề và các già làng, người có uy tín đều thừa nhận và ký vào trong biên bản họp thôn mảnh đất đó là của nhà ông ngoại. Ông ngoại bạn cần kiểm tra lại bản đồ địa chính để xác nhận tên người sử dụng đất của mảnh đất này là ai.
Nếu các bên tự giải quyết không được, phát sinh tranh chấp thì thủ tục giải quyết tranh chấp như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp tự thỏa thuận để giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu không tự thỏa thuận được thì bạn có thể là đơn yêu cầu hỏa giải tại UBND cấp xã nơi có đất.
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì theo quy định tại Khoản 2, Điều 203 Luật Đất đai 2013:
“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;”
Như vậy, hòa giải không thành thì bạn có thể giải quyết theo một trong hai hướng sau:
+ Hướng 1: Bạn nộp đơn khởi kiện gửi tới Tòa án nhân dân cấp huyện yêu cầu giải quyết tranh chấp.
+ Hướng 2: Bạn nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện nơi có đất.
Call Now Button