Vụ án SCB Vạn Thịnh Phát

Vụ án SCB Vạn Thịnh Phát là một đại án.

Trong vụ án SCB Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan – chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thâu tóm rồi thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, để rút ruột Ngân hàng này. Theo kết luận điều tra, bà Trương Mỹ Lan phạm ba tội: Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Đưa hối lộ. Trong 86 bị can đồng phạm của vụ án, 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB đối mặt cáo buộc: Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng hoặc Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các hành vi vi phạm của bà Lan cùng các đồng phạm đã gây thiệt hại đặc biệt lớn kỷ lục số tiền 1.066.608 tỷ đồng tương đương 42 tỷ USD. Để hình dung số thiệt hại lớn thế nào, hãy so sánh, tổng sản phẩm trong nước của Việt Nam năm 2022 là 400 tỷ USD, thì bà Lan đã gây thiệt hại khoảng 10% GDP.

Bị can Trương Mỹ Lan trong vụ án SCB Vạn Thịnh Phát
Bị can Trương Mỹ Lan trong vụ án SCB Vạn Thịnh Phát

Trương Mỹ Lan là ai?

Trương Mỹ Lan là người Việt gốc Hoa tên thật là Trương Muội, sinh ngày 10/03/1956 tại Sài Gòn – Chợ Lớn (thành phố Hồ Chí Minh). Ngay từ khi còn thời niên thiếu Trương Mỹ Lan đã biết tự kiếm tiền bằng kinh doanh mỹ phẩm tại chợ An Đông. Theo South Morning, Nhật Báo Hồng Kông, năm 16 tuổi bà gặp ông Eric Chu Nap Kee khi ông đang buôn kẹp tóc. Họ lấy nhau và bắt đầu hợp tác kinh doanh.

Năm 1992, nhận thấy tiềm lực và tài chính kinh doanh đã đủ, bà Lan quyết định thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vạn Thịnh Phát hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn. Vào những năm 90, trong cơn sốt đất đầu tiên tại thị trường bất động sản Việt Nam, Vạn Thịnh Phát mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản, gặt hái được nhiều thành công và có được vị thế nhất định trong giới bất động sản, trở thành đơn vị chuyên bất động sản lớn Việt Nam.

Năm 2007, nữ đại gia họ Trương khi đưa Vạn Thịnh Phát chính thức cổ phần hóa với số vốn điều lệ là trên 6000 tỷ đồng. Số vốn này đã tăng lên 12.800 tỷ đồng vào năm 2020. Trong đó, số cổ phần của bà Trương Mỹ Lan – thuyền trưởng của tập đoàn lên đến trên 80%. Đây cũng đồng thời là dấu mốc để khẳng định được sự thống trị và thăng hạng của Vạn Thịnh Phát trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Cho đến khi khởi tố vụ án SCB Vạn Thịnh Phát, Bà Trương Mỹ Lan là bà trùm bí ẩn trong thời gian dài tại Việt Nam nhưng lại có tên trong hồ sơ Panama (Danh tính hàng chục lãnh đạo thế giới và nhân vật nổi tiếng toàn cầu xuất hiện trong các giao dịch ngầm và trốn thuế được lưu lại trong Hồ sơ Panama). Có người nói rằng Trương Mỹ Lan giàu hơn cả tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Các dự án nổi bật mà vạn Thịnh Phát sở hữu các dự án làm nên tên tuổi của vạn Thịnh Phát group bao gồm Vạn Thịnh Phát và các doanh nghiệp liên quan hiện sở hữu rất nhiều bất động sản tại trung tâm thành phố sầm uất và cực  kỳ đắt đỏ như TP HCM. Trong đó, dự án nổi bật nhất là Saigon Peninsula, tổng diện tích 117ha, ôm trọn khu vực Mũi Đèn Đỏ (phường Phú Thuận, quận 7). Cùng nhiều dự án khác tọa lạc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ – khu vực được đánh giá là đắt đỏ bậc nhất cả nước như Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton,…

Việc sáp nhập ngân hàng như thế nào trong vụ án SCB Vạn Thịnh Phát?

Trước năm 2011, bà Trương Mỹ Lan sở hữu phần lớn cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất. Muốn sáp nhập hai ngân hàng này với Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa, bà Lan dùng thủ đoạn rải người của mình thu gom, đứng tên 80-98% cổ phần của ba ngân hàng. Theo yêu cầu của bà Lan, người đứng tên cổ phần phải có quan hệ thân quen và đều được trả tiền công. Ai chuyển nơi cư trú hoặc bệnh nặng phải tìm ngay người thay thế để xóa dấu vết.

Tháng 1/2012, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ra đời trên cơ sở hợp nhất từ ba ngân hàng nêu trên. Đến năm 2018, tuy bà Lan ra mặt sở hữu hơn 4% cổ phần ngân hàng SCB, nhưng thực chất bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần ở SCB dưới danh nghĩa của 27 pháp nhân, cá nhân được nhờ đứng tên. Như vậy, bà Lan đã vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước, một cá nhân không được sở hữu vượt quá 5%, một pháp nhân không được sở hữu quá 15% cổ phần của một ngân hàng. Tính đến tháng 10/2022, SCB có một hội sở chính ở TP HCM, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước. Vốn điều lệ thời điểm này là 15.000 tỷ đồng với hơn 4.100 cổ đông.

Hành vi thao túng toàn bộ hoạt động của ngân hàng trong vụ án SHB Vạn Thịnh Phát.

Theo lời khai của nhiều bị can là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc SCB, bà Lan không giữ vai trò quản lý song lại có quyền lực cao nhất trong sắp xếp nhân sự cấp cao cũng như chủ trương điều hành cùng hoạt động cho vay, huy động vốn… Các chức vụ chủ chốt ở SCB như Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, giám đốc các chi nhánh lớn, trưởng ban kiểm soát đều do bà Lan “trực tiếp tuyển dụng từ đàn em thân tín”, trả lương từ 200-500 triệu đồng hàng tháng.

Bà Lan bổ nhiệm bị can Tạ Chiêu Chung làm thành viên HĐQT SCB với nhiệm vụ quản lý, điều hành việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông; đảm bảo việc nắm giữ, chuyển nhượng cổ phần đúng tỷ lệ Ngân hàng Nhà nước quy định. Với các nhân sự cấp cao khác, bà Lan tuyển bị can Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành (cùng đang bị truy nã), Bùi Anh Dũng làm Chủ tịch HĐQT SCB trong nhiều giai đoạn. Trong số này, ông Dũng trưởng thành từ SCB, trải qua các chức vụ như trưởng phòng, giám đốc chi nhánh, phó tổng giám đốc. Theo kết luận điều tra, ông Dũng được chọn giữ chức cao nhất ở SCB bởi bà Lan thấy “hiền lành, không quậy phá, được lòng nhiều người”.

Ngân hàng bị rút ruột như thế nào trong vụ án SHB Vạn Thịnh Phát.

Nhóm bị can nguyên là lãnh đạo, nhân viên SCB khai đều biết các khoản vay của cá nhân bà Lan là trái quy định pháp luật. Mỗi khi cần huy động tiền, bà Lan sẽ tổ chức cuộc họp ở tòa nhà Times Square chứ không phải trụ sở SCB. Tại đây, nữ chủ tịch thông báo cần bao nhiêu tiền, dùng tài sản gì để thế chấp, thời gian giải ngân để lãnh đạo SCB chia nhau thực hiện.

Trong vụ án SCB Vạn Thịnh Phát, bà Lan đã chỉ đạo SCB cho vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các công ty thuộc tập đoàn vạn Thịnh Phát, giả mạo hồ sơ tài liệu để vay vốn từ SCB không sử dụng vốn vay đúng mục đích mà dùng để đầu tư vào các dự án khác của tập đoàn vạn Thịnh Phát. Cựu tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn khai các khoản vay của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát chiếm phần lớn số tiền mà SCB cho vay. Cần tiền chi tiêu cá nhân, bà Lan sẽ gọi điện thoại cho ông Văn trao đổi về chủ trương để SCB giải ngân, bỏ qua quy định cho vay thông thường.

Các khoản vay bà Lan đưa ra là “số tiền vay rất lớn”, từ vài chục tỷ đồng trở lên, chênh lệch “đặc biệt lớn” với các khoản vay thông thường; giải ngân trước hợp thức hồ sơ sau; tài sản đảm bảo giống nhau… Từ 2012 đến 2022, SCB cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng (710 cá nhân và 656 tổ chức). Trong đó, nhóm của bà Lan có hơn 2.500 khoản vay tại SCB với tổng số tiền giải ngân hơn 1.066.000 tỷ đồng. C03 xác định, nhóm bà Lan chiếm 93% số tiền cho vay, chỉ có 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường.

Ngoài ra, theo kết quả điều tra ban đầu, các bị can trong 762 công ty có liên quan đến hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã thực hiện hành vi gian dối trong việc phát hành giao dịch trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư trong khoảng thời gian năm 2018 đến năm 2019. Bộ Công an đã đề nghị Hà Nội tạm dừng việc giao dịch chuyển nhượng cổ phần góp vốn của 762 công ty liên quan đến vạn Thịnh Phát group để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản Vạn Thịnh Phát. Nhiều nạn nhân là khách hàng đáo hạn tiền tiết kiệm đã bị nhân viên SCB tư vấn chuyển sang mua trái phiếu “rác” của các Công ty bất động sản trong hệ sinh thái Vạn Thị Phát mà chính ngân hàng SCB bảo lãnh phát hành trái phiếu.

Hành vi đưa hối lộ để che dấu sai phạm trong vụ án SCB Vạn Thịnh Phát.

Theo kết luận điều tra, Bà Lan giao cho thuộc hạ là Thành và Văn thực hiện điều hành, phối hợp với Đoàn thanh tra. Bà Nhàn đã trao đổi với ông Văn về các vi phạm trong hồ sơ tín dụng tại Ngân hàng SCB tại các dự án, phương án theo đề án tái cơ cấu và cho vay nhóm khách hàng tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai. Bà Nhàn nói với ông Văn rằng SCB phải đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt” và đặt vấn đề gặp bà Trương Mỹ Lan để yêu cầu làm rõ. Ông Văn đã báo cáo lại bà Lan và được bà Lan đồng ý gặp. Sau đó, ông Văn sắp xếp để bà Trương Mỹ Lan và Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn gặp nhau tại tòa nhà Sherwood 127 Pasteur vào cuối tháng 10/2017.

Tại cuộc gặp này, bà Nhàn thông báo cho bà Lan về việc đoàn thanh tra nêu ra những thực trạng của SCB, những sai phạm nghiêm trọng liên quan hồ sơ tín dụng với các dự án rất nghiêm trọng. Trưởng đoàn thanh tra đề nghị Chủ tịch Vạn Thịnh Phát phải bán bớt tài sản để khắc phục, tất toán, thu hồi nợ tại các khoản vay sai phạm lớn.

Bà Lan nhờ trưởng đoàn hỗ trợ, giúp đỡ và sớm kết luận thanh tra theo hướng che dấu sai phạm của SCB và Vạn Thịnh Phát, để các đối tác nước ngoài vào đầu tư. Bà Nhàn đồng ý. Để bà Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn đồng ý “giúp đỡ”, theo lời khai của Võ Tấn Hoàng Văn thể hiện theo chỉ đạo của bà Lan, Văn nhiều lần đưa tiền cho bà Nhàn với tổng số tiền 5,2 triệu USD. Cụ thể, ngày 22/3/2018, Văn đưa 200.000 USD tại phòng làm việc của bà Nhàn ở Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng vào cuối tháng 3/2018. Đầu tháng 10/2018, Văn cùng lái xe riêng của bà Nhàn đến nhà riêng của bà này đưa 2 triệu USD. Hai lần tiếp đó, một lần Văn mang 2 triệu USD, lần còn lại mang 1 triệu USD đến nhà bà Nhàn. Tất cả số tiền này đều được để trong thùng xốp đựng hoa quả. Sau mỗi lần đưa tiền, Văn đều thông báo lại cho Chủ tịch Vạn Thịnh Phát biết. Số tiền này Văn khẳng định do bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhân viên chuyển từ SCB Sài Gòn ra SCB Cầu Giấy rồi đổi thành USD. Bà Nhàn đã “vẽ đường cho hươu chạy” là Vạn Thịnh Phát phải bán bớt tài sản để trả nợ cho SCB tại các phương án, dự án tái cơ cấu có sai phạm và chủ động tất toán, “dọn sạch” dư nợ nhóm 71 khách hàng ở địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai thì đoàn thanh tra sẽ không xem xét vi phạm các khoản vay, chỉ xử lý hành chính.

Vụ án SCB Vạn Thịnh Phát, người dân xếp hàng rút tiền
Vụ án SCB Vạn Thịnh Phát, người dân xếp hàng rút tiền

Khả năng người gửi tiết kiệm trong vụ án SCB Vạn Thịnh Phát thu hồi được tiền?

Vì bị rút ruột nên Ngân hàng SCB đã mất thanh khoản. Tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010, một ngân hàng có thể bị coi là phá sản khi ngân hàng đó rơi vào trạng thái mất khả năng thanh toán, không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính với khách hàng.

Vậy người gửi tiết kiệm SCB có rút được tiền? Người gửi có thể sẽ không rút lại được toàn bộ số tiền mình đã gửi mà chỉ nhận lại được một khoản tiền bảo hiểm tiền gửi đền bù theo các quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012. Về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi, theo Quyết định 32/2021/QĐ-TTg, số tiền tối đa bảo hiểm trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (cả gốc và lãi) của một người tại một ngân hàng khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Theo đó, một người gửi tiền sẽ được bảo hiểm chi trả không quá 125 triệu đồng.

Bên cạnh việc nhận tiền bảo hiểm, người gửi còn có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng SCB phá sản.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Phá sản, các tài sản còn lại của ngân hàng khi phá sản sẽ được ưu tiên chi trả lần lượt cho các đối tượng lần lượt như sau: Chi phí phá sản; Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT và các quyền lợi của người lao động. Sau đó mới đến các khoản tiền gửi.

Ngoài ra xác định người gửi tiền là bị hại trong vụ án SCB Vạn Thịnh Phát thì cũng sẽ nhận được khoản tiền bồi thường thiệt hại phụ thuộc vào việc thu hồi tài sản bị thiệt hại của các cơ quan tố tụng.

Cho đến nay, Cơ quan điều tra đã thu giữ tổng cộng gần 590 tỷ đồng và gần 15 triệu USD. Trong đó có 14,5 triệu USD trước đó bà Lan đưa cho Tạ Hùng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Greenhill Village, để nhận chuyển nhượng Dự án Greenhill Quy Nhơn do Việt làm chủ đầu tư. Hồi tháng 10/2022, sau khi được cơ quan điều tra mời làm việc, Việt đã liên hệ với người liên quan để giao nộp toàn bộ số tiền đã nhận của bà Lan. Cụ thể là hơn 116 tỷ đồng (khoảng 4,8 triệu USD) và 9,75 triệu USD. Về số tiền này, bà Lan đồng ý sử dụng để khắc phục hậu quả vụ án. Cảnh sát thu giữ 190.000 USD của Trần Văn Hùng, nhân viên dọn dẹp, vệ sinh căn hộ của bà Lan tại tòa nhà Sherwood ở quận 3, TP HCM. Số tiền này nằm trong hộp giấy chứa tài liệu của bị can Chu Duyệt Phần (con gái bà Lan). Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương đã tự nguyện chuyển gần 415 tỷ đồng – một phần trị giá trong tổng số hơn 120 triệu cổ phần công ty mà bà Lan đã giao cho các cá nhân nắm giữ.

Cơ quan điều tra và Cơ quan có thẩm quyền khác cũng phong tỏa gần 2.000 tỷ đồng, gần 8,5 triệu USD; ngăn chặn giao dịch đối với số dư gần 790 tỷ đồng trong tài khoản mở tại Ngân hàng SCB của Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương; kê biên tổng cộng 1.237 bất động sản liên quan bà Lan, bao gồm hàng loạt tòa nhà ở quận 1, 3, 5…; kê biên 857 triệu cổ phần SCB, hơn 137 triệu cổ phần 5 công ty của các pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ bà Lan; một du thuyền, 2 tàu, 19 ôtô…

Đối với nhóm hành vi Đưa hối lộ, Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan điều tra đã thu tổng cộng hơn 25 tỷ đồng và hơn 5,3 triệu USD; sổ tiết kiệm, nhiều sổ đỏ và các đồ vật khác.

Đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Cao Trí, cơ quan điều tra đã kê biên 7 bất động sản (trị giá hơn 266 tỷ đồng). Gia đình bị can cũng tự nguyện nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra tổng cộng 1.001 tỷ đồng.

Như vậy ước tính đã thu hồi được 4.542 tỷ đồng và đã kê biên nhiều tài sản khác của Vạn Thịnh Phát là bất động sản, cổ phần, du thuyền, ô tô…. Có thể chưa thấm vào đâu với số tiền 1.066.608 tỷ đồng thiệt hại.

Luật sư Huỳnh Thanh Tùng 

 Dịch vụ luật sư

  ĐT& Zalo 091 321 8707

 luatbinhtam@gmail.com

Call Now Button