Đất làm nơi thờ cúng

Xử lý quyền sử dụng đất làm nơi thờ cúng

Hỏi:

Đất ở của bố mẹ đã sang tên cho chị gái tôi. Nay chị đã mất, tôi là em gái muốn để lại 01 phần đất để làm nơi thờ cúng cho bố mẹ thì làm như thế nào?

Đất làm nơi thờ cúng
Đất làm nơi thờ cúng
Trả lời:
Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi có một số ý kiến tư vấn như sau: Do đất ở của bố mẹ bạn đã sang tên cho chị gái bạn nên sau khi chị bạn chết, mảnh đất này sẽ được xác định là di sản để thừa kế của chị bạn và được chuyển giao quyền sở hữu cho những người thừa kế của chị bạn. Bên cạnh đó, theo thông tin bạn nêu, chị bạn không để lại di chúc có nội dung quy định việc dùng di sản vào việc thờ cúng nên việc quyết định có sử dụng một phần mảnh đất này để làm nơi thờ cúng cho bố mẹ bạn hay không sẽ thuộc quyền của những người thừa kế được chuyển giao quyền sở hữu mảnh đất này. Do đó, để thực hiện mong muốn của mình, những người thừa kế được chuyển quyền sở hữu mảnh đất này phải có sự thỏa thuận và thống nhất để lại một phần mảnh đất này làm nơi thờ cúng hoặc một trong những người thừa kế được chuyển quyền sở hữu mảnh đất đồng ý sử dụng một phần mảnh đất mình được chia để sử dụng vào việc thờ cúng. Việc xác định những người thừa kế được quyền sở hữu mảnh đất này của chị bạn được thực hiện như sau:
* Trường hợp 1, chị gái bạn có để lại di chúc  Trong trường hợp này, những người thừa kế được mảnh đất sẽ được xác định là các cá nhân, tổ chức được chuyển giao quyền sử dụng đất theo di chúc.
* Trường hợp 2, chị gái bạn không để lại di chúc: Trong trường hợp này, mảnh đất của chị bạn sẽ được chia thừa kế theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế theo pháp luật theo thứ tự quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015. bao gồm:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của chị bạn;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của chị bạn; cháu ruột của chị bạn mà chị bạn là bà nội, bà ngoại.
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của chị bạn; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của chị bạn; cháu ruột của chị bạn mà chị bạn là bác ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của chị bạn mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Theo quy định này có thể thấy, bạn sẽ thuộc hàng thừa kế thứ hai của chị bạn. Như vậy, bạn chỉ có thể được hưởng thừa kế mảnh đất này nếu chị bạn không còn ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Khi đó, bạn sẽ có quyền tham gia vào thỏa thuận phân chia và sử dụng mảnh đất này để sử dụng một phần cho việc thờ cúng hoặc tự mình sử dụng phần đất được chia thừa kế vào mục đích thờ cúng.
(Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư Pháp)
Call Now Button