Di sản thừa kế nhà đất từ bố mẹ, anh trai đứng tên trong sổ địa chính

Chia di sản thừa kế nhà đất do bố mẹ để lại nhưng anh trai đứng tên trong sổ địa chính

Bố mẹ tôi mất để lại cho anh em tôi khối tài sản gồm nhà và đất. Bố tôi mất năm 1968, mẹ tôi mất năm 2008, không để lại di chúc. Nhà và đất anh tôi đã đăng ký đứng tên trong sổ địa chính xã từ 1981-1986 (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Vậy tôi có được phân chia nhà đất mà bố mẹ tôi để lại không?

Di sản thừa kế nhưng anh trai đứng tên trong sổ địa chính
Di sản thừa kế nhà đất nhưng anh trai đứng tên trong sổ địa chính

TRẢ LỜI:

Bạn là một trong những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ bạn (theo khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự) nhưng để được phân chia nhà đất thì bạn phải xác định nhà đất đó có phải là di sản do bố mẹ bạn để lại hay không. Ðiều 634 Bộ luật dân sự quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.

Theo thông tin bạn cung cấp nhà đất anh bạn đã đăng ký đứng tên nhà đất trong sổ địa chính xã từ năm 1981-1986. Trong trường hợp anh bạn đã được ghi tên trong Sổ địa chính thì rất khó để xác định rằng nhà đất là tài sản thuộc quyền sử dụng của bố mẹ bạn. Việc ghi tên trong sổ địa chính là một trong những căn cứ để anh trai bạn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:

– Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

Anh bạn thuộc trường hợp có tên trong Sổ địa chính trước ngày 15/10/1993 nên có quyền tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Theo phân tích ở trên, thửa đất thuộc quyền sử dụng của anh trai bạn, không thể được coi là di sản do bố mẹ bạn để lại và bạn không có quyền chia tài sản này.

Tuy nhiên, cũng theo thông tin bạn cung cấp, nhà đất là tài sản do bố mẹ bạn để lại cho hai anh em bạn nên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể tìm hiểu những vấn đề sau đây:

(i) Nguồn gốc hình thành nhà đất? (Do bố mẹ bạn mua, nhận chuyển nhượng/nhận thừa kế, tặng cho? Do bố mẹ bạn khai hoang?…)

(ii) Trước đây, bố mẹ bạn có đứng tên trên bất kỳ giấy tờ gì về nhà đất đó hay không? (Giấy tờ mua bán/thừa kế/tặng cho…)

(iii) Việc cơ quan có thẩm quyền đăng ký tên anh trai bạn trên Sổ địa chính được căn cứ vào đâu? Bố mẹ bạn có giấy tờ chuyển quyền cho anh trai bạn không?…

Trong trường hợp, bạn có căn cứ chắc chắn rằng nhà đất là do bố mẹ bạn để lại, chưa được chia cho các anh em, anh trai bạn không phải là chủ sử dụng/sở hữu đối với nhà đất đó thì bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, xác định lại chủ sở hữu/sử dụng tài sản. Nếu xác định được bố mẹ bạn là chủ sử dụng/sở hữu đối với nhà đất thì bạn có quyền chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

(Theo cổng thông tin điện tử bộ Tư Pháp)


 Dịch vụ luật sư

 & Zalo 091 321 8707

  luatbinhtam@gmail.com

Liên kết hữu ích: Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật

Call Now Button