Kết hôn có yếu tố nước ngoài
Pháp luật có những quy định chặt chẽ đối với việc kết hôn có yếu tố nước ngoài bởi vì bên cạnh việc bảo vệ chế độ hôn nhân tiến bộ, pháp luật còn bảo vệ công dân Việt Nam, phòng chống việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời, kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, kết hôn vì mục đích trục lợi. Ngài ra, pháp luật còn bảo vệ an ninh quốc gia trước yếu tố nước ngoài khi kết hôn.
Đối tượng kết hôn có yếu tố nước ngoài
Kết hôn có yếu tố nước ngoài là kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài và người nước ngoài cư trú ở Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn với nhau tại Việt Nam.
Hồ sơ yêu cầu đăng ký kết hôn hai bên cần chuẩn bị
* Giấy tờ phải xuất trình khi trực tiếp nộp hồ sơ
– Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của công dân Việt Nam.
– Hộ chiếu/giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu chứng minh về nhân thân của Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.
– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền của cơ quan giải quyết yêu cầu kết hôn. (ở Việt nam có thể là Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc giấy xác nhận của Công an cấp xã về địa chỉ nơi cư trú)
* Giấy tờ phải nộp
– Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu, có đủ thông tin của hai bên nam, nữ;
– Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận các bên kết hôn không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
– Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng, xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng; trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.
Giá trị sử dụng của giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài được xác định theo thời hạn ghi trên giấy tờ đó. Trường hợp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế có giá trị trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày cấp.
– Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp bản sao hộ chiếu/giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu trong trường hợp không trực tiếp nộp hồ sơ.
– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam cư trú trong nước.
* Ngoài giấy tờ nêu trên, tùy từng trường hợp, bên nam, bên nữ phải nộp hoặc xuất trình giấy tờ tương ứng sau đây:
– Công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn trái pháp luật (Trích lục ghi chú ly hôn);
– Công dân Việt Nam là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó;
– Trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp.
– Trường hợp công dân Việt Nam đã có thời gian cư trú ở nhiều nước khác nhau thì phải nộp thêm Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi đã cư trú cấp. Trường hợp không thể xin được xác nhận tình trạng hôn nhân tại các nơi đã cư trú trước đây thì người đó phải nộp văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian cư trú ở các nơi đó và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan.
Nội dung cam đoan phải thể hiện rõ về thời gian, giấy tờ tùy thân, địa Điểm cư trú và tình trạng hôn nhân.
Ví dụ: Tôi tên là Nguyễn Văn A, mang hộ chiếu số………, hiện đang cư trú tại……………, cam đoan trong thời gian cư trú tại…………………, từ ngày…. đến ngày… và thời gian cư trú tại ………………, từ ngày…. đến ngày…, không đăng ký kết hôn với ai. Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về nội dung cam đoan của mình.
Lưu ý: Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc xác nhận để sử dụng cho việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật.
Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn ở đâu?
Nơi tiếp nhận hồ sơ và giải quyết là UBND cấp huyện (nếu không có huyện thì UBND quận, nếu không có quận thì UBND thành phố) nơi cư trú.
Trường hợp đăng ký ở nước ngoài thì cơ quan đại diện của Việt Nam ở khu vực lãnh sự nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ là công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với nhau hoặc với người nước ngoài.
Trường hợp đặc biệt, Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó với công dân của nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú.
Cách thức nộp hồ sơ, thời hạn giải quyết và lệ phí
Khi nộp hồ sơ, cả bên nam và bên nữ hoặc một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kết hôn có thẩm quyền. Trường hợp một bên đến nộp không cần có văn bản ủy quyền của bên còn lại.
Thời hạn giải quyết: 15 ngày làm việc.
Lệ phí: Không quá 1.500.000 đồng.
Miễn lệ phí cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật.
Nhận giấy đăng ký kết hôn
Hai bên chính thức đăng ký kết hôn theo giấy hẹn. Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân hoặc trụ sở Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ; hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp một hoặc hai bên nam, nữ không thể có mặt để nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì theo đề nghị bằng văn bản của họ thì được gia hạn thời gian trao Giấy chứng nhận kết hôn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày ký.
Hết 60 ngày mà hai bên nam, nữ không đến nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì bị hủy việc kết hôn.
Căn cứ pháp lý:
– Luật hộ tịch năm 2014;
– Luật hôn nhân gia đình 2014;
– Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch;
– Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch;
– Quyết định 299/QĐ-BTP Về việc công bố thủ tục hành chính ban hành mới trong lĩnh vực hộ tịch thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch trong nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp
– Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BNG-BTP hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại cơ quan đại diên ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.