Đăng ký vốn ảo có bị sao không?

Câu hỏi tình huống pháp luật: Đăng ký vốn ảo

Tôi và các thành viên huy động được khoảng 2 tỷ đồng để thành lập công ty. Nhưng chúng tôi kỳ vọng là những người sáng lập công ty “triệu đô” và cũng muốn tạo hình ảnh doanh nghiệp lớn mạnh trước đối tác nên muốn đăng ký vốn điều lệ 24 tỷ đồng. Hỏi việc đăng ký vốn ảo như vậy có bị sao không?

Trả lời:

Theo điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần”. Như vậy, vốn điều lệ có thể chỉ là giá trị tài sản được cam kết góp khi thành lập doanh nghiệp, trong trường hợp này, vốn điều lệ không phản ánh đúng số vốn của doanh nghiệp có để đưa vào sản xuất kinh doanh. Với tình huống bạn hỏi, bạn và các thành viên góp vốn chỉ huy động được 2 tỷ mà đăng ký vốn điều lệ 24 tỷ nên đó chỉ là số vốn cam kết sẽ góp. Nếu các thành viên không thể có 24 tỷ trong thời hạn góp vốn thì có thể gọi vốn điều lệ của các bạn là vốn ảo.

Góp vốn ảo
Đăng ký góp vốn ảo để thể hiện công ty lớn mạnh sẽ bị mất điểm trước đối tác

Việc đăng ký vốn ảo có bị sao không?

Phân tích về vấn đề pháp lý, như tình huống nêu trên được hiểu là việc góp vốn thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên, luật cho phép đăng ký số vốn điều lệ cam kết sẽ góp. Việc đăng ký vốn điều lệ do các cổ đông, thành viên công ty thực hiện kê khai khi thành lập doanh nghiệp. Việc kê khai thực hiện tại các biểu mẫu như: điều lệ, giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, danh sách cổ đông. Cơ quan đăng ký kinh doanh không thẩm tra việc kê khai có thật hay không. Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp: Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó”. Vì vậy, mà các thành viên góp vốn tự chịu trách nhiệm về việc kê khai này.

Sau thời hạn quy định là 90 ngày, thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty (thời hạn này cũng áp dụng với việc mua số cổ phần đã đăng ký đối với các cổ đông góp vốn vào công ty cổ phần). Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày (thời hạn 30 ngày nếu cổ đông không mua cổ phần như cam kết đối với công ty cổ phần), kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần.

Vậy việc như câu hỏi việc “đăng ký vốn ảo” sẽ không bị sao trong thời hạn cam kết góp vốn. Nhưng đến hết thời hạn cam kết góp vốn công ty các bạn phải đăng ký điều chỉnh vốn vốn điều lệ.

Nếu không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ thì công ty bạn có thể bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng theo khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Thực tế hiện nay việc đăng ký vốn ảo khá phổ biến bởi pháp luật thông thoáng, cùng với sự kỳ vọng của thành viên sáng lập muốn công ty sẽ phát triển trong tương lai hoặc nhằm tạo “hình ảnh” doanh nghiệp lớn mạnh trước đối tác… Hiện nay có nhiều cách để thẩm tra, xác minh năng lực doanh nghiệp nên một doanh nghiệp đăng ký vốn ảo sẽ bị mất tín nhiệm trong con mắt các đối tác.

Luật sư Huỳnh Thanh Tùng


 Dịch vụ luật sư

  & Zalo 091 321 8707

  luatbinhtam@gmail.com

Bài viết liên quan:

Call Now Button