Pháp luật Việt Nam hiện nay không quy định về việc giành quyền nuôi con khi ly thân. Mặt khác, việc ly thân không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng. Do đó, trong thời gian ly thân, hai vợ chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên.
Đối với trường hợp của vợ chồng bạn, trên cơ sở nhằm tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho con thì trong thời kỳ ly thân, hai người có thể tự thỏa thuận với nhau về việc giao con cho bạn chăm sóc. Trong trường hợp nếu vợ bạn không đồng ý thì bạn có thể nộp đơn ra tòa yêu cầu ly hôn và giành quyền nuôi con.
Về thẩm quyền giải quyết ly hôn, điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này”.Mặt khác, căn cứ vào Điều 39 BLTTDS năm 2015 thì:
“a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”.
Như vậy, đối chiếu với các quy định pháp luật trên thì thẩm quyền giải quyết ly hôn giữa vợ chồng bạn thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn (vợ bạn) cư trú, làm việc hoặc Tòa án nhân dân cấp huyện nơi nguyên đơn (bạn) cư trú, làm việc nếu 2 vợ chồng có thỏa thuận với nhau bằng văn bản.
Về hồ sơ yêu cầu ly hôn, bạn cần chuẩn bị các loại giấy tờ gồm:
– Đơn xin ly hôn (theo mẫu);
– Sổ hộ khẩu (bản sao chứng thực);
– CMND hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu của vợ, chồng (bản sao chứng thực);
– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
– Giấy khai sinh của con (bản sao);
– Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sở hữu tài sản nếu có tranh chấp về tài sản (bản sao chứng thực).
Lưu ý về việc giành quyền nuôi con của bạn khi ly hôn:
Khoản 2 và khoản 3 Điều 81
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
“
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Như vậy, căn cứ vào quy định này có thể xác định:
– Con bạn đã hơn 36 tháng tuổi, do đó, vợ bạn không còn quyền được ưu tiên trực tiếp nuôi con.
– Khi xem xét giao con cho một bên trực tiếp nuôi, Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau như điều kiện kinh tế, điều kiện tinh thần, phẩm chất đạo đức, điều kiện sức khỏe, điều kiện công việc, thời gian dành cho con, điều kiện môi trường sống,…của hai bên vợ chồng để chọn được người có thể bảo đảm tốt nhất quyền lợi về mọi mặt cho con.
Đối với trường hợp của bạn, nếu bạn chứng minh được các thông tin như: trong thời kỳ hôn nhân với bạn, vợ bạn có quan hệ sống chung và mang thai với người đàn ông khác; họ đang ghi, thầu số đề; người đàn ông này có tính vũ phu còn bạn vẫn luôn yêu thương con; bạn có 1 căn nhà ở Tân Bình và có công việc với mức thu nhập ổn định,… thì bạn có thể có lợi thế hơn trong việc giành quyền trực tiếp nuôi con.