Thay đổi họ tên cho con

Câu hỏi tình huống thay đổi họ tên cho con:

Anh Nam và chị Hà kết hôn năm 2010. Khi chị Hà sinh con thì anh Nam đang phải làm xa, không hề có liên lạc với gia đình. Chị Hà buồn chán nên đặt tên con là Hận và cho mang họ của chị Hà. Khi đi học, do bị bạn bè trêu chọc, nên nhiêu lần Hận về xin mẹ được đặt tên khác. Sau mấy năm, anh Nam trở về nhận lỗi, nhận con và gia đình đoàn tụ, nên anh chị cũng muốn đổi họ cho con từ họ của mẹ sang họ của cha và đổi tên cho con. Cháu Hận có quyền thay đổi họ, tên hay không? Anh Nam và Chị Hà có quyền yêu cầu thay đổi họ, tên cho Hận hay không?

Trả lời:

Một số quy định pháp luật cụ thể như sau:

– Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong một số trường hợp, ví dụ như: Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại; Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con (điểm a, d khoản 1 Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2015);

 – Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong một số trường hợp, ví dụ như: Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó; Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con (điểm a, c khoản 1 Điều 28 Bộ luật dân sự năm 2015).

– Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó (khoản 2 Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2015).

– Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó (khoản 2 Điều 28 Bộ luật dân sự năm 2015).

Thay đổi họ tên cho con

Như vậy, Hận có quyền thay đổi họ, tên mình. Anh Nam và chị Hà có quyền yêu cầu thay đổi họ, tên cho Hận. Nếu Hận đã đủ 9 tuổi thì anh Nam và chị Hà phải hỏi ý kiến của Hận trước khi yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi họ, tên cho con mình.

Cũng cần lưu ý đối với trường hợp này thì trước khi yêu cầu thay đổi họ, tên cho Hận thì gia đình cần làm thủ tục nhận cha cho Hận tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú (Điều 24 Luật hộ tịch năm 2014). Thủ tục như sau (Điều 25 Luật hộ tịch 2014):

Bước 1: Người yêu cầu đăng ký nhận cha cho con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha cho con các bên phải có mặt.

Bước 9: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu thấy việc nhận cha cho con là đúng và không có tranh chấp, công chức Tư pháp – hộ tịch (cấp xã) ghi vào Số hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha cho con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

Tại Điều 11 Thông tư số 15/2015/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ngày 16-11-2015 hướng dẫn Luật hộ tịch năm 2014 và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì chứng cứ chứng minh quan hệ cha con được hiểu như sau:

– Văn bản của cơ quan Y tế, cơ quan Giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

– Trường hợp không có văn bản trên thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

Luật sư Huỳnh Thanh Tùng


 Dịch vụ luật sư

  & Zalo 091 321 8707

  luatbinhtam@gmail.com

Bạn có thể đặt câu hỏi tại đây sẽ được Luật sư giải đáp qua Email của bạn.

Call Now Button