Sửa đổi bổ sung di chúc chung
Sửa đổi bổ sung nội dung trong di chúc chung
Ông bà nội em có lập 1 di chúc để lại cho em toàn bộ tài sản của ông bà. Đến khi ông chết, các cậu cô chú bác con của ông bà không đồng ý để lại toàn bộ tài sản đó cho em, mà họp anh em, có cả bà nội em tham gia nữa. Mọi người, trong đó có cả bà em thống nhất lại chỉ cho em 1/2 khối tài sản đó thôi. Em xin hỏi, như vậy, di chúc chung của ông bà lập trước cho em có hiệu lực pháp luật không? Em có được nhận toàn bộ tài sản không, hay chỉ nhận được 1/2 theo như biên bản họp gia đình sau này?
Trả lời:
Như bạn trình bày, ông bà nội đã lập di chúc chung, nay ông nội đã chết và bà nội muốn sửa đổi bổ sung di chúc.
Vấn đề bạn hỏi di chúc chung đã lập trước có hiệu lực pháp luật hay không? Chúng tôi có ý kiến như sau: Bộ luật dân sự 2015 đã bãi bỏ quy định về di chúc chung vợ chồng vì lý do có nhiều bất cập phát sinh từ di chúc chung vợ chồng. Nhưng pháp luật không hạn chế quyền cùng nhau định đoạt tài sản chung vợ chồng để khuyến khích sự gắn bó vợ chồng nên không có quy định cấm lập di chúc chung. Vì vậy, việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ di chúc chung vợ chồng áp dung theo quy định đã có trong Bộ luật dân sự 2005.
Theo quy định tại Ðiều 668 Bộ luật dân sự 2005 về hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng thì: “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”. Theo quy định này, vì ông nội bạn đã chết nhưng bà nội bạn vẫn còn sống nên di chúc chung vợ chồng do ông bà nội bạn lập chưa có hiệu lực pháp luật. Gia đình bạn chưa thể phân chia di sản thừa kế theo nội dung di chúc này.
Còn vấn đề bạn có được thừa kế toàn bộ tài sản như di chúc đã lập hay chỉ được 1/2 như biên bản họp gia đình?
Điều 640 Bộ luật dân sự 2015 quy định Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào và trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. Vậy bà nội có quyền sửa đổi bổ sung di chúc.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 664 Bộ luật dân sự 2005, bà nội bạn chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình; mà không thể sửa đổi, bổ sung di chúc đối với toàn bộ tài sản chung vợ chồng. Theo đó, bà nội bạn chỉ có thể sửa đổi di chúc phần tài sản của bà là 1/2 tài sản chứ không có quyền sửa đổi định đoạt toàn bộ tài sản chung của ông bà bạn.
Như vậy, biên bản họp gia đình có sự đồng ý của bà nội chỉ cho bạn thừa kế 1/2 tài sản của ông bà không được pháp luật thừa nhận. Bạn chắc chắn sẽ được hưởng phần di sản của ông nội để lại là 1/2 tài sản của ông bà. Còn bạn có phần thừa kế bao nhiêu trong tài sản của bà nội (1/2 tài sản ông bà) do bà nội định đoạt theo nội dung sửa đổi di chúc phần tài sản của bà nội bạn.
Luật sư Huỳnh Thanh Tùng
Liên kết hữu ích: Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật