Khai nhận chia thừa kế không có di chúc
Khai nhận chia thừa kế không có di chúc theo các bước sau:
Bước 1: Xác định di sản thừa kế.
Di sản thừa kế chính là các tài sản thuộc sở hữu của người để lại thừa kế lúc họ còn sống. Đó có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản thuộc di sản được phân loại thành bất động sản và động sản. Bất động sản thuộc di sản thừa kế có thể bao gồm: Đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Xác định di sản thừa kế trong pháp luật dân sự.
Bước 2: Xác định người hưởng di sản thừa kế.
Khi người có tài sản chết và không có di chúc thì tài sản của người đó (di sản thừa kế) sẽ được chia theo pháp luật, tức là tất cả những người thừa kế hợp pháp thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người đó sẽ được hưởng những phần bằng nhau hoặc những phần khác nhau nếu như những người thừa kế cùng thống nhất thỏa thuận được việc chia thừa kế. Nếu người để lại di sản không có hàng thừa kế thứ nhất thì sẽ xác định tiếp đến hàng thừa kế thứ 2 và sau đó là hàng thừa kế thứ 3. Những người thừa kế này phải còn sống tại thời điểm khai nhận / phân chia di sản thừa kế.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Cháu sẽ thế vị cha hoặc mẹ nhận di sản của ông bà nếu cha hoặc mẹ chết trước hoặc cùng thời điểm với ông bà.
Tương tự, chắt sẽ thế vị cha hoặc mẹ để nhận di sản của cụ để lại.
Bước 3: Làm biên bản họp gia đình
Họp gia đình để lấy ý kiến bằng văn bản của tất cả những người được quyền hưởng di sản thừa kế để thỏa thuận các nội dung:
- Di sản thừa kế là tài sản chung để mọi người cùng đứng tên làm thủ tục khai nhận di sản và cử người quản lý di sản nếu chưa muốn chia di sản;
- Chia đều di sản thừa kế theo luật;
- Chia di sản thừa kế theo thỏa thuận như: Để ra một phần bất động sản và cử người quản lý làm nơi thờ cúng chung, chia phần dựa trên nhu cầu, công sức đóng góp tạo lập di sản, công lao nuôi dưỡng người đã mất của các thành viên trong gia đình…
Bước 4: Làm thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế
Chuẩn bị hồ sơ để làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại phòng/ văn phòng công chứng (VPCC). Hồ sơ bao gồm:
- CMND/căn cước công dân/hộ chiếu, hộ khẩu và giấy chứng tử của người để lại di sản;
- CMND/căn cước công dân/hộ chiếu, hộ khẩu của người thừa kế;
- CMND/căn cước công dân/hộ chiếu, hộ khẩu và giấy chứng tử của người trong hàng thừa kế đã chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản;
- Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, giấy tờ xác nhận / chứng minh quan hệ của người thừa kế với người đã chết;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), sổ tiết kiệm, giấy chứng nhận sở hữu cổ phần, giấy đăng ký xe và các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản (di sản thừa kế) của người để lại di sản;
- Biên bản họp gia đình thỏa thuận khai nhận, phân chia di sản thừa kế.
VPCC lập Thông báo thừa kế và làm thủ tục niêm yết Thông báo thừa kế này tại UBND cấp phường, xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản và UBND phường, xã nơi có di sản.
Đủ 15 ngày niêm yết, nếu không có ý kiến hay tranh chấp gì thì UBND sẽ xác nhận vào thông báo thừa kế. Như vậy đã đủ điều kiện để xác lập và công chứng Văn bản khai nhận / phân chia di sản thừa kế tại VPCC.
Văn bản khai nhận / phân chia di sản thừa kế là căn cứ làm thủ tục sang tên “sổ đỏ” nhà đất, đăng ký tài sản khác được chia thừa kế.
Liên kết hữu ích: