Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Câu hỏi tình huống về dấu hiệu bỏ lọt tội phạm:

Tôi đến nhà bạn gái ở làng bên chơi, trên đường về nhà thì bị anh X (người cùng làng bạn gái tôi và cũng đang theo đuổi cô ấy) cùng nhóm thanh niên làng chặn đánh. Họ bỏ chạy khi có người can ngăn và dọa gọi Công an. Tôi bị đau và khó thở vì một thanh niên đã ôm chặt tôi cho cả bọn đấm đá vào ngực nên phải đi cấp cứu. Không những tôi bị đánh mà còn bị cướp, một tên trong nhóm thanh niên túm cổ áo tôi làm đứt sợi dây chuyền bạc của tôi rồi lấy mất. Tôi làm đơn tố cáo anh X cùng cùng nhóm thanh niên làng đánh và cướp dây chuyền của tôi nhưng Công an chỉ khởi tố họ tội cố ý gây thương tích mà không khởi tố người cướp sợi dây chuyền của tôi. Điều tra viên có giải thích tuy có một người khai nhận giật dây chuyền của tôi nhưng đã vứt đi không thèm lấy và vì người này không có ý định cướp từ trước nên không bị tội cướp tài sản.  Nếu người cướp tài sản của tôi như vậy mà không bị pháp luật trừng trị thì xin hỏi đây có phải là dấu hiệu bỏ lọt tội phạm không? Xin hỏi tôi phải làm sao để pháp luật trừng trị kẻ đã cướp sợi dây chuyền của tôi và đòi lại tài sản cho tôi?

Trả lời:

Theo những tình tiết trong câu hỏi thì nhóm thanh niên đã dùng vũ lực là một người ôm chặt bạn cho người khác đánh làm cho bạn lâm vào tình trạng không thể chống cự được để gây thương tích cho bạn, đồng thời có một người túm cổ áo làm đứt và lấy mất sợi dây chuyền của bạn. Nếu nhóm thanh niên đánh bạn để giải quyết mâu thuẫn mà không có mục đích chiếm đoạt sợi dây chuyền thì có dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích cho người khác (như Công an đã khởi tố) đồng thời người thanh niên lấy mất sợi dây chuyền trong lúc đánh bạn không có ý định cướp từ trước nên hành vi này không cấu thành tội cướp tài sản mà cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản quy định cụ thể tại Điều 172 Bộ Luật Hình sự 2015. Còn nếu nhóm thanh niên đánh bạn nhằm cướp sợi dây chuyền của bạn thì có dấu hiệu tội cướp tài sản với tình tiết gây thương tích cho bạn quy định tại Điều 168 Bộ Luật Hình sự 2015.

Có phải là dấu hiệu bỏ lọt tội phạm không?

Trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố thì chức năng nhiệm vụ của Cơ quan Điều tra là căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành để xác định có (hay không) hành vi nguy hiểm cho xã hội cấu thành tội phạm quy định trong Bộ luật hình sự để ra quyết định khởi tố (hoặc không khởi tố) vụ án hình sự, khởi tố bị can liên quan đến hành vi đó. Trường hợp có hành vi cấu thành tội phạm mà không bị khởi tố thì được gọi là “bỏ lọt tội phạm”

Tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định việc phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì “dấu hiệu bỏ lọt tội phạm” được hiểu như sau:

“Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là việc cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi tiến hành kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự nhưng không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.”

Bạn đã tố giác nhóm thanh niên đánh bạn và cướp mất tài sản của bạn, giả sử với khả năng người thanh niên không có ý định cướp sợi dây chuyền từ trước mà đã lấy mất sợi dây chuyền trong lúc bạn bị họ đánh như Điều tra viên giải thích thì cần khởi tố thêm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản như đã trình bày trên.

Như vậy Cơ quan Điều tra không khởi thêm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thì đã có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Bỏ lọt tội phạm
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm cần điều tra bổ sung

Để không bỏ lọt tội phạm còn là trách nhiệm trực tiếp của các Cơ quan Công tố (Viện Kiểm sát), Cơ quan Xét xử (Tòa án). Theo trình tự tố tụng các cơ quan này sẽ yêu cầu Cơ quan Điều tra tiến hành điều tra bổ sung nếu có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Làm thế nào để pháp luật trừng trị kẻ cướp và đòi lại tài sản? 

Trường hợp của bạn, khi Công an đã khởi tố vụ án cố ý gây thương tích cho bạn thì bạn là có tư cách là người bị hại trong vụ án (tuy tội cướp tài sản không bị khởi tố). Theo quy định tại Khoản 2 điều 62 Bộ Luật tố tụng Hình sự 2015, người bị hại có quyền:

“a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
c) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
d) Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;
đ) Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án;
e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
g) Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;
h) Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;
i) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
k) Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;
l) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
o) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.”

Căn cứ quy định trên, những việc bạn cần làm là: Cung cấp thêm chứng cứ và yêu cầu xem xét chứng cứ chứng minh có thêm hành vi phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản cho cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết vụ án; Trình bày ý kiến, kiến nghị khởi tố các bị can thêm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết vụ án có thể là: Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án); Đề nghị định giá sợi dây chuyền (nếu chưa được định giá) đề làm căn cứ yêu cầu bồi thường; Kháng cáo bản án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm (nếu đã xét xử vụ án).

Bạn nên mời Luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho bạn. Những công việc Luật sư làm cho bạn: Tư vấn việc khai báo; Tham gia lấy lời khai tại Cơ quan Điều tra; Sao chụp và nghiên cứu hồ sơ vụ án; Xác minh, thu thập chứng cứ cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng; Soạn thảo văn bản kiến nghị việc giải quyết vụ án; Tính toán vận dụng quy định của pháp luật đưa ra mức yêu cầu bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho bạn; Tranh luận tại phiên tòa bảo vệ quyền lợi cho bạn …

Luật sư Huỳnh Thanh Tùng


 Dịch vụ luật sư

  & Zalo 091 321 8707

  luatbinhtam@gmail.com

Bạn có thể đặt câu hỏi tại đây sẽ được Luật sư giải đáp qua Email của bạn.

Call Now Button