Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Câu hỏi tình huống: Người lao động bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn

Tôi làm kế toán theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, nhưng thời gian gần đây Công ty lấy lý do là gặp khó khăn và đã điều động tôi sang làm một công việc khác là nhân viên phòng maketing tại một chi nhánh công ty trái với ngành nghề của tôi, nhưng tôi vẫn chấp nhận và không có ý kiến gì. Khi tôi tới nhận công việc mới thì người phụ trách đã không sắp xếp và bố trí được công việc cho tôi, và họ đã trả tôi về lại Công ty, nhưng Công ty lại không bố trí công việc cho tôi và đã ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với tôi, mặc dù vẫn còn chỗ để tôi làm việc. Từ khi vào Công ty, tôi không hề bị kỷ luật hay vi phạm những nội quy của Công ty dù chỉ là nhỏ nhất,  vậy cho tôi xin hỏi với trường hợp của tôi như thế thì Công ty đã làm đúng hay sai?

Trả lời:

Câu hỏi của bạn liên quan đến các quy định của pháp luật về trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Bộ Luật lao động 2012 quy định các trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và thời hạn báo trước mà người sử dụng lao động phải tuân thủ tại Điều 38 như sau:

“Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

  1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng”.

Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động vẫn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động vì các lý do bất khả kháng hoặc vì lý do kinh tế mà người sử dụng lao động buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Trước khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động vì lý do kinh tế hoặc do thay đổi cơ cấu, công nghệ thì người lao động phải thực hiện các biện pháp khắc phục quy định tại Điều 44 Bộ luật Lao động 2012 về nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp vì lý do kinh tế hoặc thay đổi cơ cấu, công nghệ mà người lao động có nguy cơ mất việc làm như sau:

“1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.

  1. Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.

  1. Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh”

Theo như bạn trình bày, người sử dụng lao động là công ty bạn đang trong giai đoạn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và bạn chưa từng bị công ty ra các quyết định kỷ luật lao động. Tuy nhiên, bạn không cung cấp thông tin cụ thể lý do công ty bạn quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bạn nên Luật sư không thể khẳng định công ty của bạn có vi phạm pháp luật lao động hay không. Để trả lời câu hỏi, Luật sư giả sử rằng nếu công ty bạn lấy lý do công ty đang trong giai đoạn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn thì căn cứ vào quy định điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012 thì công ty bạn phải đưa ra các bằng chứng chứng minh rằng những lý do đó có căn cứ và công ty đã tìm mọi cách khắc phục nhưng vẫn phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Trái lại, nếu công ty của bạn không chứng minh được những lý do chính đáng nêu trên thì công ty của bạn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn trái pháp luật.

Luật sư Huỳnh Thanh Tùng


 Dịch vụ luật sư

  & Zalo 091 321 8707

  luatbinhtam@gmail.com

Bạn có thể đặt câu hỏi tại đây sẽ được Luật sư giải đáp qua Email của bạn.

Call Now Button