Bình luận tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Dấu hiệu pháp lý tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360 Bộ luật hình sự 2015)

Những khái niệm 

Hành vi thiếu trách nhiệm là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao của người có Chức vụ, quyền hạn.

Không thực hiện nhiệm vụ được giao là trường hợp người có chức vụ quyền hạn không làm những việc theo đúng quy định của pháp luật, của điều lệ công tác như: Nội quy, Quy chế, Quy trình… có tính chất bắt buộc phải thực hiện theo.

Người có chức vụ quyền hạn lại không thực hiện đúng nhiệm vụ, chức vụ, quyền hạn của mình như: Thực hiện không đúng, không đầy đủ hoặc không kịp thời do đó không đáp ứng được yêu cầu của công việc đã đề ra.

Hậu quả nghiêm trọng  là những thiệt hại được xác định và có cơ sở xác định là nghiêm trọng về tài sản, về vật chất hay tinh thần, thiệt hại về uy tín, danh dự, tài sản của cơ quan Nhà nước, của tổ chức và cá nhân…

Người có chức vụ quyền hạn được coi là phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi họ có khả năng thực tế hoàn thành công việc được giao, tuy nhiên họ đã lơ là trong công việc, không thấy trước khả năng gây hậu quả nghiêm trọng mặc dù điều này là họ phải biết hoặc có thấy trước nhưng tin rằng hậu quả không xảy ra hay có thể ngăn ngừa được. Qua đó thấy rõ lỗi của họ ở đây là lỗi vô ý, có thể vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả.

Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Dấu hiệu về chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng được coi là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

Dấu hiệu về khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội phạm là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng đến tài sản của cơ quan, tổ chức; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức mình bị thoái hoá biến chất

Dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm:

a. Hành vi khách quan

Có thể nói người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là thiếu trách nhiệm, bản thân của hành vi này đã phản ảnh bản chất của tội phạm. Nhưng biểu hiện của hành vi thiếu trách nhiệm lại không phải giống nhau nó tuỳ thuộc vào nhiệm vụ được giao và tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra hậu quả. Hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành của người có chức vụ, quyền hạn được biểu hiện như: Vi phạm các nguyên tắc, chính sách, chế độ liên quan đến việc quản lý Nhà nước, quản lý con người, quản lý tài sản. v.v..

b. Hậu quả

Hậu quả của tội phạm này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm là một bộ phân hợp thành tội danh, đó là hậu quả nghiêm trọng. Nếu hậu quả gây ra rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật.

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của con người; những thiệt hại về tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức và những thiệt hại phi vật chất khác.

Hành vi thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng, được xác định như là một nguyên nhân gián tiếp. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội phạm tội này với một số tội phạm khác có hành vi thiếu trách nhiệm là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả như tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.

Dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm:

Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được thực hiện do vô ý.

Động cơ phạm tội không phải là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Đây là đặc điểm khác với một số tội phạm khác mà người phạm tội có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Do đó, khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nếu cần xác định động cơ phạm tội cũng chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt chứ không có ý nghĩa định tội.


 Dịch vụ luật sư

  & Zalo 091 321 8707

  luatbinhtam@gmail.com

Liên kết hữu ích: Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật

Call Now Button