Hành vi chiếm đoạt trong tín dụng, vay mượn tài sản

Chiếm đoạt được cần được hiểu là hành vi cố ý chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản, quyền tài sản đang thuộc sự quản lý của chủ tài sản (cá nhân, tổ chức) thành tài sản của mình. Các đặc điểm pháp lý của hành vi chiếm đoạt tài sản bao gồm:

Về mặt khách quan, hành vi làm cho chủ tài sản mất khả năng thực tế thực hiện quyền sử dụng, quyền định đoạt, quyền chiếm hữu đối với tài sản là: không thực hiện việc hoàn trả tài sản, chuyển dịch quyền sở hữu tài sản trái pháp luật, chủ sở hữu bị mất vĩnh viễn quyền hợp pháp của mình đối với tài sản, một bên tham gia hợp đồng đã chiếm hữu, tự ý sử dụng, tự ý định đoạt tài sản của người khác.

Đối tượng chiếm đoạt là tài sản và quyền tài sản. trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, tài sản bị chiếm đoạt có thể là vốn dưới hình thức tiền tệ (tiền VN đồng hoặc ngoại tệ), trong một số trường hợp có thể là quyền tài sản: các công cụ thanh toán (ngân phiếu thanh toán, séc hoặc các giấy tờ có giá bằng tiền).

Về mặt chủ quan, lỗi của người thực hiện hành vi chiếm đoạt là lỗi cố ý trực tiếp và mục đích tư lợi.

Trong lĩnh vực tín dụng, vay mượn tài sản hành vi chiếm đoạt có thể hiện như:

Thứ nhất, hành vi không trả nợ là cố ý trực tiếp, tức người phạm tội nhận thức được tính nguy hiểm của hành vi không trả nợ và mong muốn hậu quả xảy ra với mục đích tư lợi. Cố ý không trả nợ có thể được biểu hiện dưới hình thức không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả nợ gốc và lãi theo thỏa thuận trong hợp đồng khi nợ đến hạn mà không có sự chấp thuận gia hạn nợ, không được chủ nợ đồng ý xóa nợ…, hoặc mặc dù còn tài sản đảm bảo trả nợ nhưng lại cản trở việc phát mại tài sản để thu hồi nợ…, hoặc có hành vi tẩu tán, chuyển dịch tài sản, che dấu doanh thu, thu nhập… nhằm mục đích trốn tránh việc trả nợ.

Thứ hai, bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản. Đây là hành vi gây khó khăn đến cùng cho chủ nợ trong việc thu hồi nợ nhằm dẫn đến mất khả năng thu hồi nợ. Đây là yếu tố rất hay gây tranh cãi và dễ bị lạm dụng để quy kết đó là hành vi chiếm đoạt trong tội phạm hình sự. Nếu lý do con nợ bỏ trốn để tạm lánh mặt chủ nợ do hiện tại bản thân họ không có khả năng trả nợ ngay do kinh doanh thua lỗ, do họ cũng là nạn nhân của việc bị người khác chiếm đoạt, bỏ trốn vì chủ nợ đe dọa cưỡng bức, hành hạ… những đe dọa này có thực và nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe đối với con nợ, có trường hợp do thiếu tin tưởng vào cơ quan bảo vệ pháp luật nên bỏ trốn vì sợ Công an bắt… thì không thể quy kết con nợ chiếm đoạt tài sản.

Thứ ba, nguyên nhân dẫn đến việc không trả được nợ phải xác định rõ là hậu quả của việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích xin vay vốn tức là dùng vốn vay mục đích đầu tư, kinh doanh, sản xuất nhưng lại dùng để tiêu xài, xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng, phương tiện đi lại… dẫn đến không trả được nợ hoặc dùng vốn vay vào các mục đích bất hợp pháp như dùng vốn vay đi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, làm hàng giả, đưa hối lộ…(không phải do kinh doanh thua lỗ, do biến động giá cả, bất ổn của thị trường hoặc do thiên tai và các trường hợp bất khả kháng)


 Dịch vụ luật sư

  & Zalo 091 321 8707

  luatbinhtam@gmail.com


 icon-hand-o-right Khác nhau giữa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

 icon-hand-o-right Thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 Tố giác tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

Call Now Button