Sở hữu chung theo phần – Lợi nhuận và trách nhiệm bồi thường?

Câu hỏi tình huống sở hữu chung theo phần – lợi nhuận và trách nhiệm bồi thường:

Ông Nguyễn Hữu C, Lê Đức T và Phạm Văn B cùng góp tiền theo tỉ lệ 1 : 2 : 4 để mua một chiếc ô tô chở hàng khô. Chiếc ô tô này có phải tài sản thuộc hình thức sở hữu chung không? Vì không có thời gian để cùng tham gia lái xe chở hàng nên ông B thỏa thuận để ông C và T toàn quyền quản lý cũng như sử dụng chiếc ô tô này. Khi chiếc ô tô được đưa vào khai thác và tạo ra lợi nhuận thì lợi nhuận đó sẽ được chia như thế nào? Xe ô tô của ông C, T, B đã gây tai nạn cho người khác do xe bị gãy trục khi đang trên đường chở hàng thì ai sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại?

Trả lời:

Chiếc ô tô mà ông Nguyễn Hữu C, Lê Đức T và Phạm Văn B cùng góp tiền mua là tài sản thuộc hình thức sở hữu chung. Theo quy định tại khoản 1 Điều 209 Bộ luật dân sự năm 2015, chiếc ô tô này thuộc hình thức sở hữu chung theo phần của C, T, B do hoàn toàn xác định được phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu đối với tài sản dựa trên cơ sở số tiền mà các chủ sở hữu đã đóng góp để mua được chiếc ô tô này.

Khoản 2 Điều 209 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Căn cứ theo quy định này thì về nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ của các đồng sở hữu đối với tài sản được xác định tương ứng với phần quyển của họ đối với khối tài sản chung. Đồng thời, các chủ sở hữu hoàn toàn có thể thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của họ đối với tài sản theo một tỉ lệ khác với tỉ lệ phần quyền đã xác lập trên tài sản. Khi các chủ sở hữu không có thỏa thuận gì khác thì sẽ xác định quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, do không có thời gian để cùng lái xe chở hàng nên B, C và T đã thỏa thuận để C và T có toàn quyền trong việc quản lý và sử dụng xe. Các đồng sở hữu ngoài ra không có thỏa thuận gì về việc xác lập các quyền khác cũng như gánh chịu những nghĩa vụ mà tài sản có thể gây ra, do đó sẽ áp dụng quy định của pháp luật để giải quyết tình huống này. Theo đó:

– Khi chiếc ô tô được đưa vào khai thác và tạo ra lợi nhuận thì lợi nhuận đó vẫn phải chia cho B, và sẽ chia theo tỉ lệ số vốn góp mà các chủ sở hữu đã đóng góp để mua xe ô tô từ ban đầu (C:T:B=1:2: 4).

– Khi chiếc xe ô tô của C, T, B gây thiệt hại cho người khác do xe bị gãy trục trên đường chở hàng thì việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại sẽ giải quyết theo quy định tại Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Theo tình huống trên, do không có thời gian cùng lái xe chở hàng cùng C và T nên ba người đã thỏa thuận việc quản lý và sử dụng chiếc xe hoàn toàn thuộc quyền của C và T. Nói cách khác là B đã giao quyền chiếm hữu và sử dụng xe ô tô này cho C và T, do đó khi ô tô đang hoạt động trên đường chở hàng và gãy trục dẫn đến gây thiệt hại cho chủ thể khác thì C và T phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại theo tỉ lệ so sánh vốn góp (1:2) mà họ đã bỏ ra để mua ô tô này.

Luật sư Huỳnh Thanh Tùng


 Dịch vụ luật sư

  & Zalo 091 321 8707

  luatbinhtam@gmail.com


Liên kết hữu ích: Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật

Call Now Button