Lập di chúc chung vợ chồng

 

Hỏi về lập di chúc chung vợ chồng: Bố mẹ tôi đã già yếu, ông bà đang sống ở ngôi nhà cổ và đất do các cụ để lại đã làm sổ đỏ đứng tên ông bà. Nay bố mẹ tôi muốn lập di chúc chung vợ chồng cùng để lại nhà đất cho anh em chúng tôi có được không vì tôi nghe nói pháp luật đã bỏ quy định vợ chồng lập di chúc chung? Tôi là con út nhưng lại ở với ông bà, chăm sóc ông bà lúc ốm đau vì các anh chị đã có cơ ngơi riêng. Vậy ông bà muốn chia cho tôi một nửa đất được không?

Lập di chúc chung vợ chồng
Lập di chúc chung vợ chồng có được pháp luật công nhận?

Đáp:

Trả lời câu hỏi của bạn, Luật sư có ý kiến như sau:

Lập di chúc chung vợ chồng có được pháp luật công nhận hay không?

Di chúc chung của vợ chồng bản chất là việc định đoạt khối tài sản chung của vợ chồng thường là bất động sản nhằm thể hiện sự “thuận vợ thuận chồng” đúng như đạo lý truyền thống của người Việt Nam.

Theo tiến trình phát triển lịch sử lập pháp, di chúc chung vợ chồng đã được thừa nhận chính thức kể từ năm 1981 bởi thông tư ban hành bởi TANDTC, sau đến là Pháp Lệnh thừa kế năm 1990, Bộ luật dân sự (BLDS)1995, Bộ luật dân sự 2005 vẫn tiếp tục kế thừa quy định này. Di chúc chung vợ chồng có những đặc trưng có thể kể đến như: do hai ý chí cá nhân cùng tham gia định đoạt dựa trên mối quan hệ hôn nhân đang còn hiệu lực; dùng để định đoạt khối tài sản chung của vợ chồng; có hiệu lực không đồng thời với thời điểm mở thừa kế của bên chết trước.

Việc thừa nhận di chúc chung vợ chồng xuất phát từ tính ưu việt của nó trong việc duy trì tính thống nhất trong khối tài sản chung, thông qua quy định về thời điểm có hiệu lực của di chúc bắt đầu kể từ khi “bên sau cùng chết hoặc tại thời điểm hai vợ chồng cùng chết”. Theo đó, trong thời gian này, người còn sống được bảo vệ khá tốt trong khối tài sản chung cho đến khi họ qua đời, tránh tình trạng cuộc sống của người còn lại bị gián đoạn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi pháp luật cũng như thực tiễn xét xử tại TAND các cấp về vấn đề di chúc chung vợ chồng lại phát sinh nhiều bất cập. Có thể kể đến như thời điểm có hiệu lực của di chúc chung vợ chồng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người còn sống, như trong trường hợp người còn sống gặp khó khăn, bệnh tật nhưng họ không thể chuyển nhượng phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng. Thêm vào đó, thực tiễn đã có những câu hỏi xoay quanh trường hợp trong thời gian người vợ/chồng còn sống đã sử dụng di sản chưa phân chia vào sản xuất kinh doanh, thu được những lợi nhuận thì lợi nhuận phát sinh này được xem là di sản thừa kế hay thuộc quyền sở hữu của người vợ/chồng còn sống đó? Không những vậy, quy định về di chúc chung vợ chồng còn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thừa kế của bên chết trước vì họ cũng phải chờ đến thời điểm di chúc chung có hiệu lực thì mới được phân chia di sản. Ngoài ra, điều này thực tế còn ảnh hưởng khá nặng nề đến lợi ích của các chủ nợ, đặc biệt là các ngân hàng; bởi lẽ, theo quy định, các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán trước khi chia di sản theo những thứ tự ưu tiên. Vấn đề được đặt ra là, người chồng/vợ chết trước có nghĩa vụ về tài sản với người khác do có hành vi gây thiệt hại, do vay tài sản… thì quyền tài sản của các chủ nợ đó được giải quyết như thế nào, khi mà những người thừa kế chưa được hưởng di sản? Người chồng/vợ còn sống có nghĩa vụ thanh toán cho các chủ nợ từ tài sản của người chết để lại với tư cách là người thừa kế hay là người được uỷ nhiệm, pháp luật thời bấy giờ vẫn không quy định cụ thể. Bên cạnh đó, việc tồn tại di chúc chung vợ chồng còn phát sinh nhiều vướng mắc trong quy định về thời hiệu thừa kế, khi trong một số trường hợp, khi người còn lại chết thì thời hiệu khởi kiện đối với di sản của người chết trước cũng đã hết.

Xuất phát từ những bất cập vừa điểm qua, nhà lập pháp Việt Nam đã bãi bỏ quy định về di chúc chung vợ chồng trong BLDS 2015. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không đồng thời cấm việc lập di chúc chung vợ chồng.

Theo nguyên tắc  “công dân được làm những gì pháp luật không cấm” nên việc bố mẹ bạn được lập di chúc chung vợ chồng và nó vẫn được pháp luật công nhận, bảo vệ. Tuy vậy, cần hiểu những hậu quả pháp lý là những bất cập nêu trên khi vợ chồng lập di chúc chung.

Về quyền của ông bà khi lập di chúc chung vợ chồng 

Theo quy định tạ Điều 626 Bộ Luật Dân sự 2015, người lập di chúc có nhức quyền cơ bản sau:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 640 Bộ Luật Dân sự 2015, khi lập di chúc chung vợ chồng có quyền sửa đổi, thay thế,  hủy bỏ di chúc và  Điều 640 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định  “…người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.”

Như vậy, bố mẹ bạn có quyền phân định phần di sản cho từng người thừa kế, bạn hoàn toàn có thể được ông bà chia cho một nửa di sản là nhà đất.

Luật sư Huỳnh Thanh Tùng

 Dịch vụ luật sư

  & Zalo 091 321 8707

 luatbinhtam@gmail.com

  Liên kết hữu ích:

Call Now Button