Công đoàn

1. Vai trò, quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động

Điều 1 Luật công đoàn 2012 quy định vai trò của công đoàn:
Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ điều 10 đến điều 17 Luật công đoàn 2012 quy định những quyền và trách nhiệm của công đoàn:

Điều 10. Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
1. Hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động.
2. Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể.
3. Tham gia với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động.
4. Đối thoại với đơn vị sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.
5. Tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động.
6. Tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.
7. Kiến nghị với tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm.
8. Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động uỷ quyền.
9. Đại diện cho tập thể người lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động và người lao động.
10. Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.
Chính phủ quy định chi tiết Điều này sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Điều 11. Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội
1. Tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật về kinh tế – xã hội, lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và chính sách, pháp luật khác liên quan đến tổ chức công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động.
2. Phối hợp với cơ quan nhà nước nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật bảo hộ lao động, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, vệ sinh lao động.
3. Tham gia với cơ quan nhà nước quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giải quyết khiếu nại, tố cáo của người lao động, tập thể người lao động theo quy định của pháp luật.
4. Tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
5. Tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
6. Phối hợp tổ chức phong trào thi đua trong phạm vi ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Chính phủ quy định chi tiết Điều này sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Điều 12. Trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị xây dựng chính sách, pháp luật
1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền trình dự án luật, pháp lệnh ra trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
2. Công đoàn các cấp có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật có liên quan đến tổ chức công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động.
Điều 13. Tham dự các phiên họp, cuộc họp, kỳ họp và hội nghị
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chủ tịch công đoàn các cấp có quyền, trách nhiệm tham dự các phiên họp, cuộc họp, kỳ họp và hội nghị của các cơ quan, tổ chức hữu quan cùng cấp khi bàn và quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.
Điều 14. Tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
1. Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
2. Khi tham gia, phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định tại khoản 1 Điều này, Công đoàn có quyền sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu và giải trình những vấn đề có liên quan;
b) Kiến nghị biện pháp sửa chữa thiếu sót, ngăn ngừa vi phạm, khắc phục hậu quả và xử lý hành vi vi phạm pháp luật;
c) Trường hợp phát hiện nơi làm việc có yếu tố ảnh hưởng hoặc nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng người lao động, Công đoàn có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động.
Điều 15. Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động
1. Tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động; quy định của Công đoàn.
2. Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
3. Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Điều 16. Phát triển đoàn viên công đoàn và công đoàn cơ sở
1. Công đoàn có quyền, trách nhiệm phát triển đoàn viên công đoàn và công đoàn cơ sở trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
2. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có quyền, trách nhiệm cử cán bộ công đoàn đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
Điều 17. Quyền, trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở
Ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có quyền, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động khi được người lao động ở đó yêu cầu.

2. Quyền của cán bộ công đoàn cơ sở trong quan hệ lao động:

Điều 176 Bộ luật lao động 2019 quy định quyền của cán bộ tổ chức đại diện của người lao động:
1. Tiếp cận người lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện của người lao động. Việc thực hiện quyền này phải bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người sử dụng lao động.
2. Tiếp cận người sử dụng lao động để thực hiện các nhiệm vụ đại diện của tổ chức đại diện của người lao động.
3. Được sử dụng thời gian làm việc để thực hiện các công việc của tổ chức đại diện của người lao động mà vẫn được người sử dụng lao động trả lương. Tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ tổ chức đại diện của người lao động quy định tại Điều này được xác định trên cơ sở tương ứng với số đoàn viên của tổ chức, cụ thể như sau:
a) Trường hợp tổ chức có dưới 100 đoàn viên, tối thiểu là 24 giờ làm việc trong một tháng;
b) Trường hợp tổ chức có từ 100 đoàn viên đến dưới 5000 đoàn viên, ngoài thời gian quy định tại điểm a Khoản 3 Điều này, tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ tổ chức đại diện của người lao động được tăng thêm tối thiểu 24 giờ đối với mỗi 100 đoàn viên;
c) Trường hợp tổ chức có từ 5000 đoàn viên trở lên, ngoài thời gian quy định tại điểm a, điểm b Khoản 3 Điều này, tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ tổ chức đại diện của người lao động được tăng thêm tối thiểu 24 giờ đối với mỗi 500 đoàn viên;
d) Tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận về thời gian tăng thêm so với thời gian tối thiểu quy định tại điểm a, điểm b, điểm c Khoản 3 Điều này và cách thức sử dụng thời gian làm việc của cán bộ tổ chức đại diện của người lao động phù hợp với điều kiện thực tế.
4. Được hưởng các bảo đảm khác trong quan hệ lao động và trong việc thực hiện chức năng đại diện theo quy định của Luật Công đoàn.

3. Nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tổ chức công đoàn:

Điều 177 Bộ luật lao động 2019 quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động: đối với công đoàn:
1. Không được cản trở, gây khó khăn khi người lao động tiến hành các hoạt động hợp pháp nhằm thành lập, gia nhập và tham gia các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động.
2. Công nhận và tôn trọng các quyền của tổ chức đại diện người lao động đã được thành lập hợp pháp.
3. Phải thỏa thuận bằng văn bản với ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với người lao động là cán bộ được bầu của tổ chức đại diện người lao động. Trong trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động, thì người lao động, ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
4. Thực hiện các nghĩa vụ khác của người sử dụng lao động theo quy định của Luật Công đoàn và Bộ Luật này.

Điều 22 Luật công đoàn 2012 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với Công đoàn:
1. Phối hợp với Công đoàn thực hiện chức năng, quyền, nghĩa vụ của các bên theo quy định của pháp luật.
2. Tạo điều kiện cho người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
3. Phối hợp với công đoàn cùng cấp xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế phối hợp hoạt động.
4. Thừa nhận và tạo điều kiện để công đoàn cơ sở thực hiện quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
5. Trao đổi, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật khi Công đoàn đề nghị.
6. Phối hợp với Công đoàn tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết, thực hiện thoả ước lao động tập thể và quy chế dân chủ cơ sở.
7. Lấy ý kiến của công đoàn cùng cấp trước khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.
8. Phối hợp với Công đoàn giải quyết tranh chấp lao động và những vấn đề liên quan đến việc thực hiện pháp luật về lao động.
9. Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn, cán bộ công đoàn và đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

4. Thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức

4.1.Thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở:

Điều 172 Bộ luật lao động 2019 quy định:

1. Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở. Tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi gia nhập hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký.
a) Trường hợp thành lập, gia nhập vào hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc gia nhập, công đoàn có thẩm quyền ra quyết định thành lập hoặc công nhận gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh quyết định thành lập, quyết định công nhận, số lượng đoàn viên, danh sách Ban chấp hành Công đoàn cơ sở.
b) Trường hợp đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì người đại diện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở gửi hồ sơ đăng ký theo quy của pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký.

4.2. Điều kiện thành lập công đoàn cơ sở, tiêu chuẩn ban lãnh đạo, người đứng đầu và đoàn viên công đoàn cơ sở.

Điều 173 Bộ luật lao động 2019 quy định:
1. Tại thời điểm đăng ký, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở phải có số lượng đoàn viên tối thiểu là người lao động làm việc tại đơn vị sử dụng lao động theo quy định của Chính phủ.
2. Thành viên ban lãnh đạo được bầu của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là người lao động Việt Nam đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động.
3. Thành viên ban lãnh đạo được bầu của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là người không đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích do phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Khoản 3 Điều 174 Bộ luật lao động 2019 quy định nếu người lao động là người đại diện cho lợi ích của người sử dụng lao động thì không được tham gia công đoàn cơ sở:

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở không được đồng thời bao gồm đoàn viên là người lao động thông thường và người lao động là người đại diện cho lợi ích của người sử dụng lao động. Người lao động là người đại diện cho lợi ích của người sử dụng lao động là người có quyền tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến việc tuyển dụng, kỷ luật lao động, thuyên chuyển, chấm dứt hợp đồng lao động và điều kiện lao động của người lao động.

5. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

Điều 175 Bộ luật lao động 2019 quy định cụ thể:

1. Phân biệt đối xử đối với người lao động và cán bộ tổ chức đại diện của người lao động vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện của người lao động, bao gồm:
a) Yêu cầu tham gia hoặc không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện của người lao động để được tuyển dụng hoặc gia hạn hợp đồng lao động;
b) Sa thải, kỷ luật, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không gia hạn hợp đồng lao động, thuyên chuyển người lao động vì lý do người lao động thành lập, gia nhập hoặc tham gia hoạt động tổ chức đại diện của người lao động;
c) Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động đối với người lao động hoặc cán bộ tổ chức đại diện của người lao động;
d) Cản trở, gây khó khăn liên quan đến việc làm của người lao động và cán bộ tổ chức đại diện của người lao động nhằm làm suy yếu hoạt động của tổ chức đại diện của người lao động.
2. Can thiệp, thao túng quá trình thành lập, bầu cử, xây dựng kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện các hoạt động của tổ chức đại diện của người lao động, bao gồm cả việc hỗ trợ tài chính hoặc các biện pháp kinh tế khác nhằm làm vô hiệu hóa hoặc suy yếu việc thực hiện chức năng đại diện của tổ chức đại diện của người lao động.

6. Kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn.

6.1. Mức đóng kinh phí và đoàn phí công đoàn:

Theo khoản 1 Điều 37 Điều lệ công đoàn Việt Nam ngày 30/07/2013:

Kinh phí đóng công đoàn

Đoàn phí công đoàn
Đối tượng Đơn vị sử dụng lao động

Người lao động là đoàn viên công đoàn

Mức đóng

2% tổng quỹ tiền lương đóng BHXH của đơn vị

Lưu ý: Không thành lập công đoàn cơ sở vẫn phải đóng kinh phí công đoàn

1% mức tiền lương tham gia BHXH của mỗi người lao động. Mức tối đa là 10% lương cơ sở.

Lưu ý: Theo hướng dẫn 238/HD-TLĐ ngày 04/03/2014 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam:

– Đơn vị chưa có công đoàn cơ sở thì người lao động không  phải đóng đoàn phí công đoàn;

– Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp BHXH từ 1 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí;

– Đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng thì trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí công đoàn

Phương thức đóng

– Đóng theo tháng hoặc quý một lần cùng với thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho ngườ lao động;

– Nộp tại liên đoàn  lao động quận/ huyện nơi đặt trụ sở.

Đoàn phí do đoàn viên đóng hàng tháng cho công đoàn cơ sở hoặc thu qua lương hàng tháng (nếu có thỏa thuận)

6.2. Mức sử dụng:

Căn cứ theo công văn 906 ngày 12/06/2017 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam:

  1. Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp được sử dụng:

– King phí công đoàn: 67%

– Đoàn phí công đoàn: 60%

– Thu khác: 100% phát sinh tại đơn vị

2. Công đoàn cấp trên cơ sở được sử dụng:

– Kinh phí công đoàn:33%

– Đoàn phí công đoàn: 40%

– Thu khác: 100% phát sinh tại đơn vị.


 Dịch vụ luật sư

  & Zalo 091 321 8707

  luatbinhtam@gmail.com


Liên kết hữu ích: Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia

Call Now Button