Chưa thôi quốc tịch nước ngoài khi nhập tịch Việt Nam

Chưa thôi quốc tịch nước ngoài khi nhập tịch Việt Nam

Tôi sinh năm 1958, tại Campuchia. Năm 1975, do chiến tranh tôi di tản đến Việt Nam và sinh sống, từ đó đến nay đã 30 năm. Năm 2003, tôi bắt đầu nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, trong đó tôi làm cam kết từ bỏ quốc tịch Campuchia. Đến năm 2006, Sở Tư pháp TP.HCM cho biết Bộ Tư pháp thông báo tôi đã hoàn tất hồ sơ và có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, Sở Tư pháp yêu cầu tôi bổ sung quyết định thôi quốc tịch Campuchia và quyết định này phải được hợp pháp hóa lãnh sự. Năm 2006, Tổng lãnh sự quán Campuchia đã nhận hồ sơ xin thôi quốc tịch của tôi, nhưng lãnh sự quán Campuchia cho biết họ chưa có luật xác nhận cho người dân Campuchia xin thôi quốc tịch Campuchia, nhưng cho phép người dân có hai quốc tịch. Tôi đã chờ từ năm 2006 đến nay và cũng đã liên hệ với Tổng lãnh sự quán Campuchia nhiều lần nhưng lần nào họ cũng yêu cầu tôi phải chờ. Tình hình này khiến tôi không biết khi nào tôi có thể được nhập quốc tịch Việt Nam. Hiện nay tôi có cuộc sống và công việc ổn định tại Việt Nam. Tôi đã có vợ và bốn con, các con tôi hiện đã lấy vợ, lấy chồng nhưng không sao xin nhập được quốc tịch Việt Nam, các con tôi sẽ gặp khó khăn trong việc học, cũng như làm ăn và xin đăng ký kết hôn. Nhất là khi các cháu nội, ngoại của tôi lên cấp 2, nhà trường đòi phải có hộ khẩu… Ngoài ra, trong thời gian làm việc tôi cũng đã dành dụm tiền mua căn hộ hiện đang ở, nhưng do không đứng tên chủ sở hữu được nên tôi phải nhờ người khác đứng tên; tôi rất lo lắng… Tôi rất cần có quốc tịch Việt Nam để ổn định cuộc sống gia đình. Tôi tha thiết mong muốn Nhà nước Việt Nam sớm xem xét và giải quyết cho tôi cũng như nhiều người dân Campuchia cùng hoàn cảnh như tôi được nhập quốc tịch Việt Nam càng sớm càng tốt.

Xin Qúy cơ quan tư vấn cho tôi trong trường hợp này tôi có thể làm gì để nhanh chóng được nhập quốc tịch Việt Nam?

Chưa thôi quốc tịch nước ngoài khi nhập tịch Việt Nam
Chưa thôi quốc tịch nước ngoài khi nhập tịch Việt Nam

Trả lời:

Câu hỏi của bạn đã được gửi đến Vụ Hành chính tư pháp – Bộ Tư pháp là đơn vị phụ trách lĩnh vực quốc tịch. Dưới đây là nội dung trả lời cho câu hỏi của bạn:

  1. Vấn đề xin nhập quốc tịch Việt Nam:

Năm 2006, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh thông báo ông đã đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam và đề nghị ông bổ sung văn bản được thôi quốc tịch Campuchia phải hợp pháp lãnh sự là đúng với quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc xin văn bản thôi quốc tịch Campuchia thuộc trách nhiệm của cá nhân ông với cơ quan có thẩm quyền Campuchia.

Tuy nhiên, theo ông trình bày, hiện nay ông có vợ và con của ông đã lấy vợ lấy chồng tại Việt Nam. Nếu con ông đã kết hôn với công dân Việt Nam thì con ông có thể làm hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam theo diện “là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam” (điểm a khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008) và có thể được xem xét cho nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch gốc (vì có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam).

Sau khi con ông đã được nhập quốc tịch Việt Nam thì ông có thể làm hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam theo diện nêu trên (điểm a khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008) và cũng có thể được xem xét cho nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch gốc (vì có con là công dân Việt Nam).

  1. Về việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Theo Luật Nhà ở, Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12, hiện nay mới chỉ có các đối tượng người nước ngoài như sau được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

  1. Cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó;
  2. Cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương, Huy chương; cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
  3. Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế – xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu;
  4. Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam.

(Theo cổng thông tin điện tử bộ Tư Pháp)


 Dịch vụ luật sư

 & Zalo 091 321 8707

  luatbinhtam@gmail.com

Liên kết hữu ích: Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật

Call Now Button