Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi có một số ý kiến tư vấn như sau: Về trách nhiệm trả nợ của bố mẹ, căn cứ Điều 586 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người từ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. Cha mẹ chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng tài sản của mình khi con chưa đủ 18 gây thiệt hại. Như vậy, trong trường hợp của bạn, theo quy định của pháp luật, bố mẹ không có trách nhiệm trả nợ khoản vay của người con trai bằng tài sản của mình do người con trai này đã lấy vợ lập gia đình (trên 18 tuổi).
Về trách nhiệm trả nợ của vợ của người đó, căn cứ theo Điều 28 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 7 Nghị định số
126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình thì trường hợp không có thỏa thuận phân chia tài sản hợp pháp có hiệu lực thì tài sản của vợ chồng được xác định là sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Theo đó, căn cứ Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng và Điều 45 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ chồng, thì trong trường hợp của bạn, vợ của người đàn ông sẽ không có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ của chồng mình khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Đã có thỏa thuận về việc phân chia tài sản trong hôn nhân trong đó có thỏa thuận mỗi bên vợ chồng tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với giao dịch mà mình tự xác lập;
– Các thỏa thuận vay nợ của người chồng được xác lập trước khi kết hôn;
– Khi các giao dịch do người chồng tự mình xác lập không vì nhu cầu của gia đình.
Theo đó, nợ tiền lô đề cá độ của chồng mà gia đình không biết là giao dịch người chồng tự xác lập không vì nhu cầu gia đình nên người vợ không có nghĩ vụ liên đới trả nợ cho chồng.