Bình luận tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Dấu hiệu pháp lý của tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355 Bộ luật hình sự 2015)

Chủ thể: 

Quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự, chủ thể của tội phạm phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và phải có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới chiếm đoạt được tài sản của người khác. Những người không có chức vụ, quyền hạn vẫn có thể trở thành chủ thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với vai trò là đồng phạm (ví dụ: Người xúi giục).

 Khách thể:

Khách thể của tội phạm này là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chính quyền; cao hơn là chính thể bị sụp đổ. Vì vậy, tham ô hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác là đối tượng phải đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi.

Mặt khách quan:

Trước hết, phải là người có chức vụ, quyền hạn và lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản của người khác thì mới cấu thành tội phạm này. Nếu không có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác, mà chỉ gây thiệt hại đến lợi ích của người khác thì tuỳ trường hợp mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ theo Điều 357 Bộ luật Hình sự; tội nhận hối lộ theo điểm b khoản 2 Điều 354 Bộ luật Hình sự hoặc tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù theo Điều 378 Bộ luật Hình sự .v.v…

Cũng như hành vi chiếm đoạt trong các tội có tính chất chiếm đoạt khác, hành vi chiếm đoạt trong tội này là hành vi chuyển dịch trái phép tài sản thuộc sở hữu hoặc quyền quản lý hợp pháp thành của mình hoặc của người khác mà mình quan tâm. Hành vi chiếm đoạt tài sản vừa là hệ quả vừa là mục đích của hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn của người phạm tội. Mối quan hệ giữa hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn với hành vi chiếm đoạt là mối quan hệ nhân quả, trong đó hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn là nguyên nhân còn hành vi chiếm đoạt là hậu quả.

Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản
Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Hậu quả: Hậu quả của hành vi phạm tội là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội. Đối với tội này, thiệt hại trước hết là thiệt hại về tài sản, ngoài ra còn có những thiệt hại khác phi vật chất. Hậu quả của tội này, xét về phương diện các yếu tố cấu thành tội phạm thì không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là, dù hậu quả chưa xảy ra nhưng hành vi vẫn cấu thành tội phạm.

Đối với tội này, nhà làm luật quy định chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng thì phải có thêm những điều kiện như: đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục 1 chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Mặt chủ quan: 

Là tội phạm có tính chất chiếm đoạt nên cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt khác, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; không có trường hợp chiếm đoạt tài sản của người khác nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn chiếm đoạt được tài sản.

Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Vì vậy, có thể nói mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu mục đích của người phạm tội chưa đạt được (chưa chiếm đoạt được tài sản), thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.


 Dịch vụ luật sư

  & Zalo 091 321 8707

  luatbinhtam@gmail.com

Liên kết hữu ích: Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật

Call Now Button