Sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Chúng tôi có quan hệ với nhau rồi ở với nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Sau đó muốn đăng ký kết hôn tính từ khi ở với nhau có được không và làm như thế nào?

Trả lời:
Bạn không nêu rõ thời điểm sống các bạn chung với nhau nên không có cơ sở để trả lời cụ thể nếu bạn đăng ký kết hôn thì có được công nhận là vợ chồng kể từ thời điểm sống chung hay không.
Tuy nhiên, pháp luật quy định  02 trường hợp không đăng ký kết hôn, sau mới đăng ký thì vẫn được công nhận là vợ chồng từ thời điểm sống chung (công nhận thời gian hôn nhân thực tế) :

Sống chung như vợ chồng
Sống chung như vợ chồng có được công nhận hôn nhân thực tế ?
  1. Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước 03/01/1987

Lúc này, hai người vẫn được công nhận là vợ chồng hợp pháp kể từ ngày hai bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng. Khi đó, hai bên nam, nữ được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn.

(Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch 2014).

2. Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ 03/01/1987 đến trước 01/01/2001

Theo quy định tại Điều 131 Luật Hôn nhân gia đình 2014: “Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết”.

Theo quy định tại điểm b, mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội và khoản 2, Điều 2 Nghị định số 77/2001/NĐ-CP thì nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001 mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01/01/2003.

Theo đó, nếu nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng từ 03/01/1987 đến trước 01/01/2001 thì phải có nghĩa vụ đăng ký kết hôn. Thời hạn tối đa đến ngày 01/01/2003. Sau 01/01/2003 mà vẫn không đăng ký thì không được công nhận là vợ chồng.

Như vậy, nếu các bạn chung sống với nhau trước ngày 01/01/2001 mà sau này mới đăng ký kết hôn thì pháp luật sẽ công nhận quan hệ hôn nhân từ thời điểm hai người sống chung với nhau như vợ chồng. Tuy nhiên, trường hợp sống chung với nhau từ 03/01/1987 đến trước 01/01/2001 thì phải thỏa mãn điều kiện phải đăng ký kết hôn trước ngày 01/01/2003 thì mới được công nhận hôn nhân thực tế. Nếu không thỏa mãn điều kiện này thì thời điểm hôn nhân được công nhận là ngày đăng ký kết hôn.

Còn trường hợp các bạn chung sống với nhau sau ngày 01/01/2001 thì đương nhiên thời điểm hôn nhân được công nhận là ngày đăng ký kết hôn.

(Căn cứ theo Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP).

Thẩm quyền và thủ tục đăng ký kết hôn đối với trường hợp của bạn được quy định như sau:

Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của một trong hai bên thực hiện việc đăng ký kết hôn.

Trong trường hợp cả hai bên không có hộ khẩu thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú có thời hạn theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ khẩu, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi một trong hai bên đăng ký tạm trú có thời hạn, thực hiện việc đăng ký kết hôn.

Khi đăng ký kết hôn, các bên chỉ cần làm Tờ khai đăng ký kết hôn và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế.

Trong Tờ khai đăng ký kết hôn, các bên ghi bổ sung ngày, tháng, năm xác lập quan hệ vợ chồng hoặc chung sống với nhau như vợ chồng trên thực tế. Trong trường hợp vợ chồng không cùng xác định được ngày, tháng xác lập quan hệ vợ chồng hoặc chung sống với nhau như vợ chồng trên thực tế, thì cách tính ngày, tháng như sau:

– Nếu xác định được tháng mà không xác định được ngày, thì lấy ngày 01 của tháng tiếp theo;

– Nếu xác định được năm mà không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo.

Trong trường hợp một trong hai bên kết hôn không có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú có thời hạn tại nơi đăng ký kết hôn, thì Tờ khai đăng ký kết hôn phải được cơ quan, đơn vị nơi đang công tác (đối với cán bộ, công chức, người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang) hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú có thời hạn xác nhận về tình trạng hôn nhân của người đó. Nếu cả hai bên cùng thường trú hoặc tạm trú có thời hạn tại nơi đăng ký kết hôn, thì không cần sự xác nhận nói trên.

Sau khi nhận Tờ khai đăng ký kết hôn, Uỷ ban nhân dân kiểm tra, nếu các bên đã đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình thì đăng ký kết hôn ngay. Khi có tình tiết chưa rõ là một trong hai bên hoặc cả hai bên có đủ điều kiện kết hôn hay không, thì Uỷ ban nhân dân yêu cầu họ làm giấy cam đoan và có xác nhận của ít nhất hai người làm chứng về nội dung cam đoan đó. Người làm chứng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của lời chứng.

 Luật sư Huỳnh Thanh Tùng

 Dịch vụ luật sư

 & Zalo 091 321 8707

  luatbinhtam@gmail.com

Liên kết hữu ích: Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật

Call Now Button