Quyền lợi phụ nữ ly hôn

Quyền lợi của phụ nữ ly hôn, quyền lợi của trẻ em khi bố mẹ ly hôn

Trong quan hệ hôn nhân gia đình, phụ nữ thường chịu thiệt thòi, yếu thế. Chính vì vậy, pháp luật luôn luôn bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ theo nguyên tắc vừa bình đẳng vừa ưu tiên. Theo nguyên tắc này, trong vụ việc ly hôn cần vận dụng pháp luật bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ như sau:

Thứ nhất, về quyền yêu cầu ly hôn:

Vợ và chồng đều có quyền yêu cầu ly hôn. Điều 51 Luật HN&GĐ 2014 quy định “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.”  Tinh thần bình đẳng trong hôn nhân gia đình cũng quy định tại Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015: “Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng” và Điều 18 Luật Bình đẳng giới 2016 : ” Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.”

Những quy định của pháp luật trên để bảo vệ phụ nữ chống lại những quan niệm mang tư tưởng “gia trưởng” như đàn ông luôn là trụ cột gia đình, quyết định việc lớn, phụ nữ phải biết nhường nhịn, chịu đựng, biết giữ thể diện cho chồng… vẫn còn ăn sâu bám rễ trong xã hội làm cho không ít chị em vẫn cam chịu tình trạng hôn nhân không hạnh phúc mà không dám yêu cầu ly hôn.

Theo nguyên tắc ưu tiên phụ nữ, pháp luật còn hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của chồng để bảo vệ quyền lợi của người vợ trong một giai đoạn thực hiện thiên chức của phụ nữ rất dễ bị tổn thương về tâm lý tình cảm và sức khỏe, nên cũng tại Điều 51 Luật HN&GĐ 2014 quy định “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”.

Bạo lực gia đình

Thứ hai, quyền được ly hôn vì là nạn nhân của bạo lực gia đình:

 Phụ nữ là bên yếu thế nên họ thường là nạn nhân của bạo lực gia đình. Nguyên tắc chung pháp luật sẽ phải bảo vệ bên yếu thế để hướng tới sự công bằng. Thực tế, các vụ án Tòa cho ly hôn lý do có hành vi bạo lực gia đình thì đa số nạn nhân bạo lực gia đình là người vợ. Điều 51, 56 Luật HN&GĐ 2014 quy định căn cứ tòa cho ly hôn là có hành vi bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Việc ưu tiên bảo vệ quyền lợi của phụ nữ thể hiện ở nhiều quy định khác bảo vệ quyền của phụ nữ là nạn nhân của bạo lực nói chung và bạo lực gia đình nói riêng như: Điều 34 Luật phòng chống bạo lực gia đình quy định Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm: “Kiến nghị những biện pháp cần thiết với cơ quan nhà nước có liên quan để thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình”; Còn trong Bộ luật hình sự 2015 có Điều 140 Tội hành hạ người khác quy định phạm tội hành hạ phụ nữ có thai là tình tiết định khung tăng nặng và tại Điều 52 quy định phạm tội đối với phụ nữ có thai là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Thứ ba, về chia tài sản khi ly hôn:

Người vợ được quyền thỏa thuận với chồng việc chia tài sản chung khi ly hôn. Việc vợ chồng thỏa thuận chia tài sản cũng như Tòa án giải quyết chia tài sản phải trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, của con. Điều 59 Luật HN&GĐ 2014 quy định nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn theo thỏa thuận còn nếu không thỏa thuận được hoặc thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì Tòa án giải quyết, một trong các nguyên tắc chia tài sản là ” Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, …”; Trường hợp thuận tình ly hôn, Điều 55 Luật HN&GĐ 2014 quy định: “… nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, …, trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”. Điều 7 Luật Bình đẳng giới 2006 cũng quy định chính sách của nhà nước  là “Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ”; 

Theo tập quán vợ theo chồng, thì vợ sống chung với gia đình chồng còn phổ biến thì quyền lợi của phụ nữ được bảo vệ bởi Điều 61 Luật HN&GĐ 2014 quy định: “Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”

Thứ tư, về quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn:

Người vợ cũng là người mẹ, người đã tổn hao về sức khỏe, phải giành thời gian thực hiện thiên chức người mẹ nên đã được pháp luật bảo vệ, và ưu tiên quyền nuôi con nhỏ khi ly hôn (cũng là đảm bảo quyền lợi trẻ em). Điều 81 Luật HN&GĐ 2014 quy định “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”  và “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi “. Trường hợp thuận tình ly hôn thì Điều 55 Luật HN&GĐ 2014 quy định: “… việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”.

Như vậy, người vợ có quyền thỏa thuận với chồng việc trực tiếp nuôi con khi ly hôn trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình. Hơn nữa, vợ còn được quyền trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Người vợ cũng là người mẹ sinh con và thường trực tiếp nuôi con từ nhỏ cho đến trưởng thành. Người mẹ có nhiều điều kiện hơn người bố để quan tâm chăm sóc con, nhất là về tinh thần, đảm bảo hơn quyền lợi mọi mặt cho con. Vì vậy người mẹ có ưu thế hơn khi Tòa án giải quyết tranh chấp quyền nuôi con. Cũng lý do trên, người mẹ cũng có ưu thế hơn để giành được tình cảm của con khi chúng đã có nhận thức và được Tòa án hỏi ý kiến khi có tranh chấp quyền nuôi con.

Thứ tư, quyền được đảm bảo chỗ ở khi ly hôn:

Điều 63 Luật HN&GĐ quy định: “Trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư tại nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Theo quy định của Luật thì người vợ bình đẳng với chồng về quyền lưu cư nhưng theo tập quán vợ theo chồng, ở nhà chồng thì quy định này sẽ bảo vệ người vợ.

Trường hợp chia tài sản chung là bất động sản đồng thời là chỗ ở duy nhất không thể chia được của vợ chồng khi ly hôn khi áp dụng Khoản 3 Điều 59 Luật HN&GĐ quy định: “Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch” . Nếu người vợ có yêu cầu nhận tài sản bằng hiện vật tức là sở hữu nhà để không phải chuyển chỗ ở thì cũng được ưu tiên hơn theo nguyên tắc bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, của con cũng chính là được đảm bảo chỗ ở ổn định.

Thứ năm, quyền yêu cầu cấp dưỡng:

Điều 115 Luật HN&GĐ quy định nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn: “Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình”. Người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới về các cơ hội phát triển nghề nghiệp dẫn đến không bình đẳng về mức thu nhập. Khi ly hôn có trường hợp họ phải vẫn thực hiện thiên chức nuôi con nhỏ…nên có khó khăn, túng thiếu. Trường hợp này họ có quyền yêu cầu chồng cấp dưỡng.


Trên đây là những quyền lợi của phụ nữ ly hôn được pháp luật bảo vệ. Để được tư vấn thêm xin hãy liên hệ:

 Dịch vụ luật sư

  & Zalo 091 321 8707

  luatbinhtam@gmail.com


  Liên kết hữu ích:


 icon-hand-o-right Đơn phương ly hôn và thuận tình ly hôn

 icon-hand-o-right Tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân

 icon-hand-o-right Tranh chấp nhà đất khi ly hôn

Call Now Button