Chuyển khẩu đi nơi khác có cần chồng đồng ý không?

Hai mẹ con chuyển khẩu đi nơi khác có cần sự đồng ý của chồng không?

Chuyển khẩu đi nơi khác
Tách chuyển khẩu đi nơi khác

Hiện nay tôi đang sống cùng bố mẹ tại tỉnh H, hộ khẩu của tôi ở TP Hồ Chí Minh. Tôi muốn làm thủ tục chuyển khẩu từ TP Hồ Chí Minh về tỉnh H nhưng chỉ chuyển khẩu của tôi và con tôi, còn chồng tôi thì chưa chuyển. Công an tỉnh H yêu cầu chồng tôi làm đơn đồng ý chuyển khẩu cho tôi và con tôi về tỉnh H. Xin hỏi yêu cầu này có đúng hay không? Chân thành cảm ơn!

TRẢ LỜI :

Đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu cho họ (Điều 18 Luật Cư trú). Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú (khoản 1 Điều 23 Luật Cư trú). Vì hiện nay bạn và con bạn đang sinh sống tại tỉnh H nên bạn làm thủ tục chuyển khẩu từ TP Hồ Chí Minh về tỉnh H là đúng với quy định của pháp luật.

Về trình tự, thủ tục chuyển khẩu và đăng ký thường trú mới được thực hiện theo hướng dẫn như sau:

* Đề nghị cấp giấy chuyển khẩu (Điều 8 Thông tư số 52/2010/TT-BCA ngày 30/11/2010 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 107/2007/NĐ-CP và Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 về cư trú).

Nộp một bộ hồ sơ tại cơ quan công an nơi đang đăng ký thường trú, gồm:

– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

– Sổ hộ khẩu (hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể đã được cấp trước đây).

* Đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh H.

Nộp hồ sơ đăng ký thường trú (Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 52/2010/TT-BCA) gồm:

– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

– Bản khai nhân khẩu;

– Giấy chuyển hộ khẩu;

– Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 107/2007/NĐ-CP, được sửa đổi tại Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010, trừ trường hợp được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình.

– Đối với trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà nội, ông, bà ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột chuyển đến ở với nhau thì không cần xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Ủy ban nhân dân cấp xã) về mối quan hệ nêu trên.

Như vậy, khi bạn làm thủ tục chuyển khẩu từ TP Hồ Chí Minh để đăng ký thường trú mới tại tỉnh H thì ngoài những hồ sơ theo quy định nêu trên, bạn chỉ cần xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ giữa bạn và bố mẹ bạn (như giấy khai sinh của bạn …). Bạn không cần phải có văn bản  của chồng bạn về việc đồng ý cho bạn được chuyển khẩu về tỉnh H.

Đối với bạn thì như vậy, nhưng, đối với việc chuyển hộ khẩu cho con bạn thì có một vấn đề cần lưu ý như sau:

Điều 13 Luật Cư trú quy định: Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

Về hồ sơ đăng ký thường trú của người chưa thành niên: Ngoài các giấy tờ chung có trong hồ sơ đăng ký thường trú quy định nêu trên thì khoản 2 Điều 6 Thông tư số 52/2010/TT-BCA quy định: Người chưa thành niên nếu không đăng ký thường trú cùng cha, mẹ; cha hoặc mẹ mà đăng ký thường trú cùng với người khác thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ; cha hoặc mẹ.

Đối chiếu với trường hợp của bạn, nếu con bạn là người chưa thành niên thì khi đăng ký thường trú cùng ông bà thì phải có văn bản đồng ý của người bố.

(Theo cổng thông tin điện tử bộ Tư Pháp)


 Dịch vụ luật sư

 & Zalo 091 321 8707

  luatbinhtam@gmail.com

Liên kết hữu ích: Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật

Call Now Button