Bình luận tội cướp tài sản

Bình luận tội cướp tài sản

  1. Cướp tài sản là gì?

Cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu của họ hoặc do họ quản lý. (Quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự 2015)

  1. Các yếu tố cấu thành tội cướp tài sản

2.1. Mặt khách quan:

Mặt khách quan của tội cướp tài sản có một trong các dấu hiệu sau:

a) Có hành vi dùng vũ lực: Là hành vi của người phạm tội dùng sức mạnh có tính vật chất (gồm sức mạnh thể chất và sức mạnh của vật chất là công cụ phương tiện phạm tội) tác động vào thân thể của người chủ tài sản (chủ sở hữu tài sản), hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản hoặc bất cứ người nào cản trở việc chiếm đoạt tài sản của người phạm tội, làm cho những người đó không thể kháng cự lại hoặc làm tê liệt ý chí kháng cự hay khả năng kháng cự (như đâm chết…) của người đó để người phạm tội thực hiện việc chiếm đoạt tài sản.

Dùng vũ lực cướp tài sản
Dùng vũ lực cướp tài sản

Sức mạnh thể chất. Được hiểu là việc dùng sức mạnh của chính bản thân người phạm tội như dùng tay bóp cổ nạn nhân, dùng thế võ để khoá tay nạn nhân, dùng chân đá vào chỗ hiểm của nạn nhân…

Sức mạnh vật chất là công cụ phương tiện phạm tội: Được hiểu là người phạm tội đã sử dụng uy lực, tính năng tác dụng của công cụ phương tiện phạm tội để tác động vào thân thể nạn nhân như dùng dao đâm, dùng súng bắn… vào người nạn nhân.

b) Có hành vi đe doạ dùng ngay tức khắc vũ lực: Đó là hành vi cụ thể của người phạm tội biểu hiện cho người bị tấn công biết rằng người phạm tội có thể sử dụng vũ lực (khi bắn, chém…) ngay tức khắc nếu người bị tấn công có hành vi cản trở việc chiếm đoạt tài sản của người phạm tội nhằm làm tê liệt ý chí kháng cự của người bị tấn công.

c) Có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự: Được hiểu là hành vi mà người phạm tội có thể thực hiện thông qua cử chỉ, lời nói, thái độ, hoặc hành động khác với những thủ đoạn khác nhau (như cho uống thuốc mê, dùng vũ khí giả để uy hiếp…) với mục đích làm cho người bị tấn công bị tê liệt ý chí kháng cự để chiếm đoạt tài sản. Đặc điểm của dạng hành vi này, người phạm tội không tác động bằng sức mạnh vật chất vào người bị tấn công mà dùng các thủ đoạn tinh vi để tác động vào thể chất, tinh thần của người bị hại.

Dùng thuốc mê cướp tài sản
Dùng thuốc mê cướp tài sản

Lưu ý:

Các hành vi nêu trên luôn và bao giờ cũng gắn liền với mục đích chiếm đoạt tài sản. Thông thường việc chiếm đoạt này luôn được thực hiện liền ngay sau khi thực hiện một trong các hành vi nói trên. Đây là điểm đặc thù của tội này.

Tuy nhiện, hậu quả có xảy ra hay không (tức có lấy được tài sản hay không), giá trị tài sản ít hay nhiều không làm ảnh hưởng đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội mà chỉ có ý nghĩa về định khung hình phạt.

Đối tượng chiếm đoạt của hành vi cướp tài sản là tài sản của Nhà nước, của tổ chức, tài sản của công dân. Thực tế cho thấy tài sản đã bị chiếm đoạt trong tội cướp thường là vật, tiền hoặc giấy tò trị giá được bằng tiền, còn quyền tài sản hầu như chưa thấy xảy ra hoặc khó có thể là đối tượng chiếm đoạt của tội này. Đối với tài sản là vật thì thông thường bao giờ động sản (như tiền, vàng, xe máy…) cũng là đối tượng của tội cướp tài sản.

Thời điểm hoàn thành của tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm (một trong các hành vi nêu ở mặt khách quan).

2.2. Khách thể

Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước của tô chức và công dân.

Ngoài ra còn xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc người (bất cứ người nào) cản trở việc thực hiện tội phạm của kẻ phạm tội.

2.3. Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

2.4. Chủ thể

Chủ thể của tội trộm cắp tài sản là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

  1. Về hình phạt của tội cướp tài sản

Mức hình phạt của tội này được chia thành 04 khung, cụ thể như sau:

a) Khung một (khoản 1)

Có mức phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

b) Khung hai (khoản 2)

Có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

c) Khung ba (khoản 3)

Có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

d) Khung bốn (khoản 4)

Có mức phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân .

  1. Hình phạt bổ sung

Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên, tuỳ từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

(Bình luận tội cướp tài sản)

  1. Một số vấn đề cần chú ý:

– Khi thực hiện tội cướp tài sản, người phạm tội phát sinh ý thức chiếm đoạt trước khi có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc, hoặc các hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được. Nếu ý thức chiếm đoạt phát sinh sau khi đã thực hiện các hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc các hành vi khác thì không phạm vào tội cướp tài sản, mà tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà phạm vào các tội tương ứng với hành vi đó (thường là tội công nhiên chiếm đoạt tài sản).

Ví dụ: A đánh B để trả thù, B do bị đánh đã để lại xe mô tô đang đi và bỏ chạy. A nảy sinh và thực hiện ý định chiếm đoạt chiếc xe mô tô của B. Trường hợp này không có sự chuyển hoá tội phạm, từ tội công nhiên chiếm đoạt tài sản sang tội cướp tài sản. Tức là A không phạm vào tội cướp tài sản mà phạm vào tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Đọc thêm: Phân biệt các tội xâm phạm quyền sở hữu


 Dịch vụ luật sư

 & Zalo 091 321 8707

  luatbinhtam@gmail.com

Liên kết hữu ích: Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật

Call Now Button