Cho con nuôi giấy viết tay

Trường hợp người dân chỉ viết giấy tay để cho con nuôi

Cho con nuôi giấy viết tay
Cho con nuôi giấy viết tay

Khi mới 19 tuổi và chưa kết hôn nhưng chị Vang đã có thai ngoài ý muốn. Gia đình chị vì ngại điều tiếng chê trách của xóm làng nên đưa chị đến ở nhờ nhà người cô họ tại xã X ở một tỉnh khác trong thời gian chờ sinh con. Trong thời gian ở đây, chị Vang quen biết vợ chồng chị Thuỷ là người trong xã, biết hoàn cảnh của vợ chồng chị Thuỷ kết hôn đã lâu nhưng không có khả năng sinh con nên chị Vang đồng ý sau khi sinh con sẽ cho cháu làm con nuôi vợ chồng chị Thuỷ. Vì đã thoả thuận với nhau như vậy và muốn giữ bí mật về chuyện này nên khi gần sinh con, chị Vang được chị Thuỷ đón về nhà chăm sóc. Tháng 02 năm 2006, chị Vang sinh con và được chị Thuỷ mời bác sỹ về nhà đỡ đẻ tại nhà. Sinh con được 2 tuần, chị Vang để con lại làm con nuôi vợ chồng chị Thuỷ với yêu cầu gia đình chị Thuỷ không được liên lạc với chị Vang. Theo yêu cầu của vợ chồng chị Thuỷ, chị Vang cũng viết một tờ giấy về việc tự nguyện cho con làm con nuôi vợ chồng chị Thuỷ và cam kết sau này không tranh chấp, đòi hỏi quyền lợi gì liên quan đến đứa con. Tờ giấy này có chữ ký của chị Vang, vợ chồng chị Thuỷ và người làm chứng là cô họ của chị Vang.

Cháu bé được 5 tháng tuổi, chị Thủy đến Uỷ ban nhân dân xã X để xin đăng ký nhận con nuôi và đăng ký khai sinh cho cháu bé. Cán bộ tư pháp – hộ tịch sau khi tìm hiểu rõ sự việc, thấy có nhiều vướng mắc để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch của chị Thuỷ do việc đăng ký khai sinh cho cháu bé không có Giấy chứng sinh, việc đăng ký nuôi con nuôi thì không liên hệ được với mẹ đẻ cháu bé để làm các thủ tục cần thiết. Uỷ ban nhân dân xã X phải giải quyết tình huống này như thế nào?

Trả lời:

Đây là tình huống về cho nhận con nuôi còn xảy ra khá phổ biến trong thực tiễn đời sống nhân dân. Vấn đề phát sinh trong tình huống này là cả việc đăng ký khai sinh cho cháu bé và việc đăng ký nuôi con nuôi đều vướng mắc về thủ tục, cụ thể:

– Đối với việc đăng ký khai sinh: Không có Giấy chứng sinh, trong khi cháu bé hiện đang sống với vợ chồng chị Thuỷ – người nuôi dưỡng chứ không phải là người sinh ra cháu;

– Đối với việc đăng ký nuôi con nuôi: Cháu bé được mẹ đẻ đồng ý cho làm con nuôi vợ chồng chị Thuỷ nhưng người mẹ không có mặt để thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi, mặt khác, về thủ tục thì việc đăng ký nuôi con nuôi trong trường hợp này không có Giấy thoả thuận về việc cho và nhận con nuôi hợp lệ (phải là Giấy thoả thuận được lập theo mẫu quy định).

Về nguyên tắc, trong trường hợp này, Uỷ ban nhân dân xã X có thể vận dụng quy định về đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi để khai sinh cho cháu bé theo yêu cầu của chị Thuỷ. Tuy nhiên, việc khai sinh và việc đăng ký nuôi con nuôi trong trường hợp này liên quan chặt chẽ đến nhau. Do đó, phương án tốt nhất là nên giải quyết việc đăng ký nuôi con nuôi trước, sau đó thực hiện việc đăng ký khai sinh, tránh tình trạng trẻ đã được xác định các thông tin về họ, tên sau đó lại phải thay đổi khi quan hệ nuôi con nuôi được xác lập, hoặc khi xảy ra tình trạng người mẹ đẻ không đồng ý cho con làm con nuôi nữa.

Như vậy, việc giải quyết tình huống này sẽ thực hiện như sau:

– Uỷ ban nhân dân xã X yêu cầu vợ chồng chị Thuỷ tìm cách liên lạc với mẹ đẻ của cháu bé để có thể thực hiện đúng thủ tục cho và nhận con nuôi theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP. Việc liên lạc với chị Vang – mẹ đẻ của cháu bé là có thể thực hiện được thông qua người cô họ ở cùng xã vợ chồng chị Thuỷ. Phân tích rõ cho chị Thuỷ biết là vì cháu bé không phải là trẻ bị bỏ rơi, mà có thể xác định được mẹ đẻ nên để có thể đăng ký nuôi con nuôi thì cần sự có mặt của người mẹ cháu bé để thể hiện sự tự nguyện đồng ý cho con nuôi bằng cách:

+ Cùng vợ chồng chị Thuỷ lập Giấy thoả thuận về việc cho và nhận con nuôi theo đúng mẫu quy định;

+ Cùng có mặt với vợ chồng chị Thuỷ tại Uỷ ban nhân dân xã khi đăng ký nuôi con nuôi theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP để thể hiện sự tự nguyện cho con.

– Sau một thời gian, nếu việc liên lạc với chị Vang – mẹ đẻ cháu bé không có kết quả hoặc chị Vang không chịu đến làm thủ tục cho con nuôi thì Uỷ ban nhân dân xã X có thể vận dụng quy định về việc đăng ký nuôi con nuôi và đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi theo quy định tại Điều 16, khoản 2 Điều 25, khoản 1 Điều 28 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP để đăng ký nuôi con nuôi và đăng ký khai sinh cho cháu bé.

(Theo cổng thông tin điện tử bộ Tư Pháp)


 Dịch vụ luật sư

 & Zalo 091 321 8707

  luatbinhtam@gmail.com

Liên kết hữu ích: Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật

Call Now Button